Xuất khẩu lao động giúp Tân Thanh giảm nghèo bền vững

28/06/2019 - 07:07

BDK - Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Trôm, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện có 268 lao động tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), đạt tỷ lệ 134% so với kế hoạch và đạt 107% so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, xã Tân Thanh là một trong những địa phương dẫn đầu với 20 lao động XKLĐ. Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Minh cho biết, địa phương rất chú trọng công tác XKLĐ và xem đây là sinh kế để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Anh Nguyễn Văn Dũng chăm sóc đàn bò của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Dũng chăm sóc đàn bò của gia đình.

Đẩy mạnh XKLĐ

“Ngay từ những tháng đầu năm 2019, địa phương đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động, đối thoại với người nghèo; phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và có sự phân công cụ thể cho Mặt trận và các đoàn thể phụ trách, theo dõi, hỗ trợ các ấp trong công tác giảm nghèo và đa dạng sinh kế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế, thoát nghèo với phương châm “Cùng lo, cùng nghĩ, cùng bàn và cùng thực hiện”. Trong đó, địa phương chú trọng việc rà soát, tuyên truyền, vận động con em hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động tham gia XKLĐ, xem đây là sinh kế thoát nghèo bền vững” - Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết.

Trong nhiều năm qua, Tân Thanh là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Giồng Trôm về công tác XKLĐ… Năm 2018, mô hình của địa phương được huyện công nhận mô hình Dân vận khéo. Từ đầu năm 2019 đến nay, có 6 lao động là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo đã bay sang thị trường các nước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cán bộ giảm nghèo, trẻ em và xã hội xã Cao Nhựt Nam cho biết, năm 2016, qua bình nghị, toàn xã có 552 hộ nghèo, 106 hộ cận nghèo, qua bình xét và lựa chọn tham gia Đề án sinh kế của địa phương giai đoạn 2016 - 2020 là 29 hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua 3 năm thực hiện có 17 hộ thoát nghèo bền vững. Riêng năm 2019 có 22 hộ được lựa chọn để tham gia đề án.

Nhiều mô hình thoát nghèo hiệu quả

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động con em hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia XKLĐ, các mô hình chăn nuôi dê, bò sinh sản luôn được bà con nghèo rất đồng tình hưởng ứng, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, cải thiện được đời sống.

Anh Nguyễn Văn Dũng, ấp An Thuận, xã Tân Thanh, cho biết: Gia đình anh có 2 con, không đất canh tác và ở nhờ trên đất của người thân. Được sự quan tâm giúp đỡ của địa phương và hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh mua bò về nuôi. Hiện nay, đàn bò của anh sinh trưởng rất tốt. “Vợ chồng tôi làm đủ nghề để mưu sinh, hàng ngày tôi đi làm thợ hồ, còn vợ tôi ở nhà chăm sóc đàn bò, xem đây là tài sản mà hai vợ chồng có được để làm sinh kế, nuôi con ăn học”.

Hay như hộ ông Nguyễn Hoàng Minh ở ấp An Thuận, nhờ hỗ trợ vay vốn  nhiều năm trước, từ 2 con bò sinh sản ban đầu, đến nay chú có một đàn bò 6 con. Vợ ông Minh rất phấn khởi cho biết: “Con đực lớn này, người ta mới trả giá 32 triệu đồng mà ổng chưa chịu bán, đợi đến tháng 9 mới bán. Con đực có da màu kem này, hiện cũng có giá 15 - 17 triệu đồng rồi. Trong năm nay hoặc đầu năm tới , gia đình tôi sẽ xin được thoát nghèo”.

Tân Thanh một xã thuần nông, địa bàn rộng, có 6 ấp với 3.283 hộ, hơn 13 ngàn nhân khẩu. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã đều rơi vào trường hợp không đất canh tác, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, đông con… Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Minh cho biết: Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo, đa dạng sinh kế giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống được sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Trong đó, địa phương luôn xác định và xây dựng, triển khai kế hoạch hàng năm về XKLĐ, trong đó chú trọng  công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia, nhất là đối tượng con em hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với sự nỗ lực, địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là lợi thế, một mô hình sinh kế thoát nghèo bền vững và sẽ được duy trì cho những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích