Sản xuất nước màu dừa đặc sản đạt 4 sao tại Chi nhánh Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu A Tuấn Khang (TP. Bến Tre). Ảnh: Thạch Thảo
Tinh hoa quê nhà
Từ sản phẩm kẹo dừa đặc trưng truyền thống có độ dẻo dễ dính răng, OCOP Bến Tre xuất hiện sản phẩm kẹo dừa giòn không dính răng của Công ty TNHH Vĩnh Tiến (TP. Bến Tre), là kẹo sữa dừa nguyên chất Yến Hoàng được đánh giá 4 sao, có tiềm năng 5 sao. Kế đến là kẹo dừa ít đường đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng của hộ kinh doanh kẹo dừa Hồng Vân, huyện Châu Thành, với 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Hộ kinh doanh kẹo dừa Hồng Vân chia sẻ: Các sản phẩm kẹo dừa của gia đình có loại truyền thống với cơ cấu đường chiếm 30% trong công thức sản xuất kẹo. 3 sản phẩm OCOP của kẹo dừa Hồng Vân là kẹo dừa gạo lức, kẹo bánh tráng dừa dứa non, kẹo dừa nướng trái cây sấy giòn cơ cấu đường chỉ chiếm 10% trong công thức sản xuất kẹo để phù hợp với thị hiếu giảm đường trong bữa ăn của người tiêu dùng. Xu hướng này ngày càng được thị trường ưa chuộng và sản phẩm cũng nhờ đó phát triển mạnh về số lượng.
Từ thuở nhỏ, anh Tô Chí Hải đã nhớ hình ảnh người bà lấy mật hoa dừa chế biến thành nước màu, thức uống chăm sóc sức khỏe gia đình. Theo thời gian, truyền thống này bị mai một. Món ngon từ mật hoa dừa và hình ảnh người bà thân thương thôi thúc anh Hải cho ra đời sản phẩm mật hoa dừa (anh Hải đăng ký chủ thể sản xuất là hộ kinh doanh Hương Dừa, huyện Châu Thành) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. “Mật hoa dừa là tài nguyên bản địa nhưng nhiều người chưa thấy được giá trị của nó. Tôi đã kết hợp mật hoa dừa để làm ra nhiều dòng sản phẩm khác biệt, có giá trị hơn như: nước giải khát, mật cô đặc, đường dừa (dùng làm nhiều loại bánh mứt). Mật dừa có độ đường thấp hơn mật ong, những thành tố trong mật dừa không làm cơ thể dị ứng như mật ong nên mật dừa rất tốt cho sức khỏe”, anh Tô Chí Hải cho biết.
Giờ đây, mật hoa dừa được nhiều người biết đến. Công việc làm ăn của gia đình có bước phát triển. Từ hộ kinh doanh, anh Tô Chí Hải tiến lên thành lập Công ty TNHH Mật dừa Bến Tre vào tháng 1-2022. Vùng nguyên liệu khai thác mật hoa dừa, anh Tô Chí Hải đang mở rộng hướng về vùng trồng dừa ở các huyện biển, vừa tạo vành đai chắn gió biển, vừa giúp người dân có thêm thu nhập.
Độc đáo sản phẩm OCOP
Theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ban hành ngày 21-8-2019), yếu tố văn hóa chiếm số lượng khá lớn trong cơ cấu điểm đánh giá sản phẩm OCOP.
Ở 3 phần tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng chiếm đến 35/100 điểm. Khả năng tiếp thị 25/100 điểm. Chất lượng sản phẩm 40/100 điểm. Trong đó, điểm số cho tiêu chí: nguồn nguyên liệu có nguồn gốc trong tỉnh, liên kết chuỗi trong sản xuất, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm, loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh, tính hoàn thiện của bao bì, sự tham gia của cộng đồng trong quản lý điều hành, sử dụng lao động địa phương, câu chuyện về sản phẩm, trí tuệ/bản sắc địa phương... đều đòi hỏi yếu tố văn hóa bản địa càng nhiều thì điểm số càng cao.
Nằm trong vùng nuôi heo tập trung của tỉnh nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cơ sở Ngọc Ánh, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam đã có thời gian lâu dài gắn bó với nghề làm nem thịt, chả lụa và lạp xưởng từ nguyên liệu thịt heo. Đây cũng là các sản phẩm đầu tiên (cùng với các sản phẩm từ dừa), được huyện Mỏ Cày Nam chọn lựa và giới thiệu đến Hội đồng OCOP cấp tỉnh xem xét, đánh giá. Kết quả, các sản phẩm này được UBND tỉnh chứng nhận và xếp hạng 3 sao.
“Chả lụa được làm từ thịt nóng do chúng tôi ký hợp đồng với chủ cơ sở giết mổ ở địa phương để chỉ lấy 2 miếng nạc đùi và 2 miếng thịt ở sống lưng con heo. Thịt nóng lóc ra giao ngay trong đêm cho chúng tôi sản xuất. Bí quyết chả ngon là nhờ thịt tươi, không sử dụng hàn the, hóa chất”, bà Huỳnh Thị Ánh, chủ cơ sở Ngọc Ánh cho biết. Mỗi năm, cơ sở Ngọc Ánh tiêu thụ hơn 6 tấn thịt heo của người chăn nuôi trong huyện Mỏ Cày Nam.
Qua OCOP Bến Tre, vấn đề cải tiến sản phẩm truyền thống để thích ứng với thị trường và thị hiếu người tiêu dùng gần như xuất phát từ tấm lòng yêu quê hương của người Bến Tre. Bà Đỗ Thị Thanh Trúc - nguyên Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện của sở trong nhiều đợt đánh giá của Hội đồng OCOP cấp tỉnh, nhận định: “Điều tôi cảm nhận rõ nhất qua những lần tham gia Hội đồng đánh giá OCOP là các chủ thể đăng ký tham gia OCOP đều rất tâm huyết để tạo ra sản phẩm hướng đến sự hoàn thiện. Từ sản xuất thô, khi tham gia OCOP, người dân đầu tư nhiều hơn để cho ra sản phẩm đẹp, bắt mắt, vừa mang yếu tố văn minh nhưng không làm mất đi giá trị truyền thống về chất lượng của sản phẩm. Tất cả chủ thể đều hướng đến giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông cha ta đã tạo dựng từ trước tới giờ”.
Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP của tỉnh là một câu chuyện về sự kế thừa và phát huy văn hóa bản địa của chủ thể sản xuất. Những người con quê hương đã ấp ủ, nuôi dưỡng tình yêu đối với vùng đất, biết ơn người dân xứ Dừa mà đầu tư cho sản phẩm OCOP. Nhờ đó, sản phẩm OCOP dễ dàng được khách hàng đón nhận và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng khu vực và cả nước.
Chương trình OCOP quy tụ những sản phẩm truyền thống. Mỗi sản phẩm OCOP trước khi “trình làng” ở hội đồng đánh giá phải tự hoàn chỉnh theo quy định chung. Sau khi đánh giá sản phẩm, các ý kiến từ đại diện của cơ quan chức năng đóng góp, các chủ thể tiếp thu và không ngừng cải tiến về chất lượng, hình thức sản phẩm, nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện toàn tỉnh có 131 sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận 3 sao, 4 sao (trong đó có hơn 10 sản phẩm có tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, chứng nhận). Hàng trăm sản phẩm có tiềm năng đang được tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thiện.
|
T. Thảo - C. Trúc