Hành trình số hóa các tài liệu về dừa

13/08/2018 - 07:41

BDK - Muốn tìm hiểu về cây dừa Bến Tre, giờ đây bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy và tiếp cận nhiều tài liệu trên trang thông tin điện tử Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, mục Thư viện số. Nhóm tác giả đã bắt tay vào hành trình số hóa các tài liệu về dừa nhằm quảng bá hình ảnh cây dừa của Bến Tre, đồng thời mang đến cho bạn đọc bốn phương thông tin về cây dừa Bến Tre, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh nhà.

Những tài liệu, sách viết về dừa giờ đây có thể phục vụ đông đảo bạn đọc hơn và dễ dàng mọi lúc, mọi nơi nhờ được số hóa.

Những tài liệu, sách viết về dừa giờ đây có thể phục vụ đông đảo bạn đọc hơn và dễ dàng mọi lúc, mọi nơi nhờ được số hóa.

Mở thêm “kênh” cho bạn đọc

Trong bối cảnh một số thư viện lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như Thư viện Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ đang tiến hành xây dựng nguồn tài nguyên số nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ thông tin cho người dùng ở mọi lúc, mọi nơi, không phân định không gian, thời gian. Đối với tỉnh, được sự ủng hộ của UBND tỉnh và một số sở, ngành, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu đã được cấp một kinh phí khoảng 147 triệu đồng nhằm thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng bộ sưu tập số về cây dừa Bến Tre”.

Nhóm tác giả thực hiện đề tài khoa học gồm 8 thành viên, trong đó 7 người đang làm việc tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu và 1 người làm việc tại Thư viện tỉnh Tiền Giang. Ý tưởng viết đề tài khoa học này được manh nha từ tình yêu đối với dừa khi một vài cán bộ thư viện tỉnh nhà đi công tác ở tỉnh Quảng Ninh và bất chợt nhận ra tình cảm của mình đối với cây dừa quê hương. Và rồi họ tự hỏi: dừa - sao thân thuộc với mình đến thế? Mình nhớ dừa! Dừa thật đáng để mình tự hào, đó là lòng tự hào của người địa phương…

Trong 5 năm từ 2013 - 2017, nhiều cán bộ thư viện đã rỉ tai nhau “chú ý  kỹ đến các tài liệu viết về dừa khi đặt báo, tạp chí, nhập sách…”. Tháng 8-2017, công việc sưu tập các tài liệu về dừa của nhóm tác giả chính thức khởi động, các thành viên chia nhau thu gom những tài liệu đã chuẩn bị sẵn từ nhiều năm trước đó. Đồng thời “lang thang” có chủ đích từ thư viện quốc gia đến nhiều thư viện khác trong cả nước để đọc và tìm tài liệu về cây dừa. Các báo, tạp chí, website tỉnh nhà và một số trang đáng tin cậy cũng được nhóm tác giả khai thác triệt để nhằm làm phong phú nguồn tài liệu số. “Chúng tôi cũng tìm những đĩa VCD, CD, những đoạn phim, ảnh về dừa để số hóa và phục vụ bạn đọc” - bà Nguyễn Thị Phương Đông, thành viên nhóm tác giả cho biết. Bên cạnh đó, phần mềm thực hiện số hóa là Dspace phiên bản 5.0, Dspace là phần mềm mã nguồn mở được phát triển và chạy ứng dụng trên nền tảng web, thuận tiện cho việc thực hiện các thao tác biên mục, cập nhật, truy cập thông tin. Đồng thời, đáp ứng tốt việc quản lý số lượng lớn khi sử dụng hệ quản trị CSDL độc lập. Trên thế giới hiện có hơn 1.100 trường đại học, thư viện và các tổ chức sử dụng Dspace để quản lý, khai thác và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin số của mình.

Nhóm tác giả cũng cho rằng, đề tài khoa học “Xây dựng bộ sưu tập số về cây dừa Bến Tre” là công trình, đề tài lớn đầu tiên của thư viện tỉnh từ sau giải phóng 1975 đến nay. Những trang sách nằm im lìm trên giá giờ có thể phục vụ cho bạn đọc mọi lúc, mọi nơi sau khi được số hóa trở thành tài liệu số nhờ đề tài khoa học này.

Điểm thú vị của bộ sưu tập

Mục tiêu của đề tài là thu thập và số hóa 90 tài liệu dạng giấy về cây dừa thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chế biến, sản phẩm, văn hóa, du lịch. Thu thập, số hóa 10 tài liệu dạng băng, đĩa DVD, CD hoặc phim, ảnh về cây dừa và các sản phẩm từ cây dừa. Xây dựng trang thông tin điện tử của thư viện tỉnh để đưa các tài liệu đã số hóa lên phục vụ miễn phí bạn đọc của thư viện.

Được sự góp ý của Hội đồng khoa học tỉnh, nhóm tác giả đã thống nhất lấy tên đề tài là “Xây dựng bộ sưu tập số về cây dừa Bến Tre” vừa ngắn gọn vừa đủ ý, đồng thời nhóm tác giả cũng thấy rằng 9 chủ đề trong bộ sưu tập là con số hợp lý để thể hiện toàn diện về cây dừa. Trong đó, chủ đề 3 “Cây dừa trong đời sống kinh tế” có nhiều tài liệu nhất. Nhóm tác giả lấy làm thích thú khi chủ đề này có rất nhiều thông tin như báo cáo chuỗi giá trị cây dừa, chiến lược cạnh tranh ngành dừa, những bài viết khác nhau về mô hình phát triển cây dừa, mô hình khởi nghiệp từ dừa. Và chủ đề này tập hợp rất nhiều câu chuyện con người liên quan đến dừa như: Chuyện kẹo dừa Bến Tre thắng kiện tại Trung Quốc, nước dừa Bến Tre vươn ra thế giới, nhọc nhằn phận nữ lột vỏ dừa, tiến sĩ dừa…

Quá trình thu thập, sưu tầm rất nhiều tài liệu về cây dừa, nhóm tác giả bất ngờ nhận ra và băn khoăn tự hỏi nhau: Tại sao tỉnh Bến Tre lại thiếu nguyên liệu dừa, Bến Tre phải làm sao để có đủ nguyên liệu dừa khi tương lai của ngành dừa sẽ phát triển. Từ những suy nghĩ đó, nhóm tác giả tiếp tục hành trình sưu tầm tài liệu phong phú hơn, tiến xa hơn với dự định sẽ cập nhật tài liệu tiếng nước ngoài về dừa trong một chủ đề riêng; gặp gỡ trực tiếp Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy để bà chia sẻ một số thông tin mang tính riêng tư về những giống dừa bà đang nghiên cứu và những tài liệu về dừa bằng tiếng nước ngoài mà bà đang có. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng ấp ủ những chuyến thực địa đến Trung tâm dừa Đồng Gò, các công ty chế biến dừa lớn ở tỉnh để họ chia sẻ thông tin về dừa để cập nhật trên trang web http://thuvienbentre.gov.vn, mục Thư viện số để phục vụ bạn đọc, tìm hiểu về dừa, về Bến Tre.

Thư viện cũng vừa tổ chức hội thảo để đánh giá kết quả thực hiện đề tài. Các đại biểu tham dự đã thảo luận, đề xuất một số ý kiến mở rộng biên độ của đề tài hướng đến việc dịch thuật sách, báo nước ngoài có liên quan đến dừa; không dừng lại ở tour du lịch xứ dừa mà còn kết nối tour tuyến; thu thập, thống kê một cách thuyết phục và nhất quán các số liệu về dừa Việt Nam và thế giới để doanh nghiệp lấy thông tin trong hoạt động kinh doanh… Hội thảo là một bước cuối trong hành trình thực hiện đề tài, để sau đó Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá đề tài, khi đạt yêu cầu đề tài sẽ được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN