“Vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả” đồng thời với xây dựng nông thôn mới

16/07/2012 - 15:48

Xây dựng mô hình “Vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả” là ý tưởng của Huyện ủy Châu Thành. Ý nghĩa ban đầu của việc làm này là tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi cho huyện thực hiện huyện văn hóa, còn tiếp theo là xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Việc phát triển và nâng chất hiệu quả của mô hình càng có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp huyện đạt nhiều tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.

Mẫu vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả của huyện Châu Thành.

 

Tìm hiểu đôi nét về hiệu quả ở một khu vườn mẫu

Qua lời kể những lão nông, sau khi ấp Tân Qui, xã Tân Phú được người dân vào khai phá để làm ăn sinh sống, cây trồng chính nơi này là cây lúa. Bởi lúc ấy, đây được xem là vùng đất mới, màu mỡ, giàu tiềm năng kinh tế. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm trồng lúa, nông dân tiếp tục lâm vào cảnh bấp bênh vì năng suất thấp, giá cả không ổn định. Dần dần, ruộng lúa được thay bằng vườn chôm chôm. Cây trồng mới này phù hợp thổ nhưỡng và giữ vững diện tích canh tác cho đến nay. Hai bên đường dẫn vào ấp Tân Qui (nơi có nhiều du khách đến từ mọi miền đất nước vào mùa trái cây hàng năm, đặc biệt là dịp Tết Đoan Ngọ) là những vườn cây trái xanh um, dịu mát. Đi dưới nắng trưa nhưng chúng tôi vẫn rất dễ chịu, thư thái bởi bầu không khí trong lành. Ở đây, cái tên Tư Hóa đã trở thành quen thuộc và nổi tiếng là một trong những vườn chôm chôm đầu tiên của ấp và được khai thác hiệu quả. Vì sao hiệu quả? Trả lời cho câu hỏi này cũng chính là để giải thích vì sao Châu Thành tiên phong xây dựng mô hình vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả để nhân rộng toàn huyện trong suốt nhiều năm qua.

Theo ông Tư, chủ vườn Tư Hóa, ban đầu, vườn chôm chôm của ông cũng giống như bao khu vườn khác. Chúng được chăm sóc, vun trồng với mục đích thu hoạch trái để mang lại thu nhập ổn định cho người canh tác. Thời ấy, mọi vườn chôm chôm đều cho trái thuận theo mùa vụ tự nhiên. Đến mùa, nhà nhà, vườn vườn ở ấp Tân Qui đều phủ trùm một màu đỏ rực của trái vào độ chín. Người từ nơi khác có dịp đến đây trông thích mắt và xin hái trái ăn thử. Ăn xong cảm thấy xót ruột, khách lạ lại gợi ý chủ vườn có thêm món ăn khác. Đặc sản cháo gà thả vườn “ra đời”. Từ đó, ông Tư nảy ý định mở dịch vụ du lịch, kèm với phục vụ ăn, uống, bán trái cây đặc sản. Tiếng lành đồn xa. Càng về sau, đến mùa, khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch hàng năm, du khách ở mọi nơi kéo về càng đông đúc hơn. Đặc biệt, ngày mùng 5-5, người ta chen chúc vào Tân Qui và tỏa vào vườn để tham quan, hái trái bỏ bụng. Cách làm  hiệu quả này được nhiều nông hộ lân cận học tập.

Ngoài áp dụng kỹ thuật chăm sóc đúng cách để trúng vụ, người ta bắt đầu quan tâm đến việc chăm sóc, tỉa cây, quét dọn để khu vườn của họ ngày càng sạch sẽ, đẹp mắt hơn, hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Với gần 7 công đất trồng chôm chôm, đến vụ cho trái thu hoạch, ông Tư còn có thêm nguồn thu tương đương từ phục vụ du lịch. Mỗi năm, hộ ông Tư thu về khoảng trăm triệu đồng. Thu nhập cao, ổn định, hộ ông Tư nhanh chóng vươn lên khá giàu. Ông được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

Sau khi huyện chủ trương xây dựng mô hình vườn xanh – sạch – đẹp – hiệu quả, vườn Tư Hóa được hướng dẫn xây dựng hoàn thiện hơn để trở thành một trong những vườn mẫu của địa phương.

 

Vai trò mô hình trong thời kỳ mới

 Trước đây, mục đích thực hiện mô hình vườn xanh – sạch – đẹp – hiệu quả là giúp huyện xây dựng thành công huyện văn hóa vào năm 2010. Hiện nay, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả và càng có giá trị thiết thực. Đó là giúp địa phương đạt được nhiều tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Quốc Nhã – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết: Việc xây dựng mô hình đã được huyện chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Để đạt tiêu chí vườn xanh, cây trồng phải được đầu tư thâm canh, phân bón đúng mức, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Vườn sạch phải đảm bảo: cây trồng canh tác đúng quy trình kỹ thuật an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường cảnh quan. Nông hộ có nhà vệ sinh tự hoại, cầu vệ sinh hợp vệ sinh, không lộ thiên, có hố rác, có điểm chứa vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật cách ly với khu nhà ở, hệ thống mương vườn phải thông thoáng, sạch cỏ dại. Khu vực chăn nuôi phải có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Để được công nhận vườn đẹp, cây trồng phải đúng mật độ, khoảng cách. Đối với vườn có cây trồng xen phải bố trí cây trồng chính và cây trồng xen hợp lý. Đất vườn thông thoáng, sạch sẽ, giữ cỏ hợp lý. Cây trồng được cắt tỉa đúng kỹ thuật. Đặc biệt, vườn hiệu quả là vườn đạt giá trị sản xuất 70 triệu đồng/năm/ha trở lên.

Như vậy, kết quả của việc áp dụng hiệu quả mô hình sẽ giúp các xã trên địa bàn huyện cơ bản hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí là tiêu chí 10: thu nhập, tiêu chí 11: tỷ lệ hộ nghèo, tiêu chí 12: cơ cấu lao động, tiêu chí 13: hình thức tổ chức sản xuất, tiêu chí 17: môi trường, tiêu chí 18: hệ thống tổ chức chính trị xã hội, tiêu chí 19: an ninh trật tự xã hội. Các tiêu chí có liên quan, tác động ảnh hưởng đến nhau, vì thế việc hoàn thành các tiêu chí này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Đồng thời với xây dựng nông thôn, việc phát triển mô hình vườn xanh – sạch – đẹp – hiệu quả còn là mục tiêu để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch của huyện trong thời gian gần. 

 Theo các tiêu chí xây dựng mô hình, đến cuối năm 2011, huyện Châu Thành đã có 11.214/26.535 hộ nông nghiệp đạt tiêu chí vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả, với diện tích canh tác 6.307/14.603ha sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Nhã, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, hiện toàn huyện đang giữ vững diện tích canh tác đạt tiêu chí và tiếp tục nhân rộng mô hình trên diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại.

 

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN