Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Thanh Bạch
Thời gian qua, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số cơ quan, ban, ngành còn chưa thực sự nhận thức rõ về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình trong công tác phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp cơ sở có nơi còn buông lỏng. Tình trạng khai thác khoáng sản (cát sông) trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa thực hiện nghiêm túc…
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để nhằm quản lý chặt chẽ, bảo vệ cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật.
Theo điều chỉnh, bổ sung việc khoanh định các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã điều tra, khảo sát địa chất trên 4 tuyến sông: Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai và sông Tiền đã phát hiện, khoanh vẽ được 44 khu vực và 29 khu mỏ đã khai thác, thăm dò với tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo cấp 333 lên đến 239.860.732m3, tổng diện tích trên 7.837ha.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản, gồm 16 vùng; trong đó, sông Tiền 5 vùng, sông Hàm Luông 4 vùng, sông Cổ Chiên 5 vùng, sông Ba Lai 2 vùng và khu vực sông Tiền xã An Khánh - thị trấn Tân Thạch, huyện Châu Thành thuộc hành lang bảo vệ cầu và phà Rạch Miễu.
UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn về quản lý khoáng sản. Chủ trì thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản, bảo vệ môi trường, đất đai có liên quan đến hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền. Đồng thời, tổ chức triển khai công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo phương án đã được phê duyệt.
UBND cấp huyện, xã chủ động lập kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hàng năm và tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, thì báo cáo cấp trên để xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép; thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.
Đặc biệt, nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép thành điểm nóng tập trung đông người, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi có hoạt động khoáng sản trái phép phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện.
Thanh Bạch