Cây giống cacao bị nhiễm mặn.
Mặc dù đã có dự đoán, đưa ra các biện pháp phòng ngừa thiên tai; nhưng có lúc vẫn không phòng tránh được. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng chịu tác động xấu, nhất là đối với cây trồng.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa muộn và mưa ít nên vụ lúa Hè Thu năm 2010 phải xuống giống muộn dẫn đến trễ các vụ sau. Vào tháng 10 âm lịch năm 2010, triều cường dâng cao làm 2.000ha mía bị long gốc, đổ ngã, chậm phát triển; 4.000ha cacao đang cho trái giảm năng suất, một ít nơi cây cacao bị chết do mặn. Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền làm cho 26.900ha cây ăn trái giảm năng suất; 250ha trồng hoa kiểng và giống cây trồng bị ảnh hưởng; 450ha hoa màu thiếu nước tưới. Năm 2010-2011, cây dừa liên tục bị “treo”, nguyên nhân do nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài nhưng lại có lúc mưa nhiều làm hoa dừa thụ phấn kém, mùa nắng diện tích dừa bị nhiễm bọ cánh cứng có năm 40% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Điều này cho thấy tình hình bọ hại dừa có lúc tái phát, gây hại nặng nhất là mùa khô.
Năm 2011, 2.000ha lúa bị ảnh hưởng mặn, giảm năng suất từ 30 - 60%, 258ha rau màu bị ảnh hưởng, giảm năng suất từ 3 - 50%; 240ha cacao ở huyện Mỏ Cày Nam rụng hoa, không thụ phấn, thiệt hại 10%; 6.200ha cây ăn trái bị ảnh hưởng giảm năng suất từ 30 - 40%, trong đó cây măng cụt, sầu riêng, rụng hoa, rụng trái; bưởi da xanh, cam, quýt, chanh… do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, trái bị rụng và chất lượng trái không đạt yêu cầu xuất bán nên giá bán giảm; cây mía bị ảnh hưởng mặn 500ha, giảm năng suất 20 - 30% tại huyện Giồng Trôm; cây dừa năng suất giảm đáng kể do rụng trái non. Tháng 3-2012 vừa qua, triều cường, bão số 1 đã gây ngập úng khoảng 600ha cây ăn trái, hoa màu tại Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Cuối tháng 4 đầu tháng 5-2012, lốc xoáy ở Châu Thành, Giồng Trôm làm thiệt hại nặng một số cây ăn trái và hoa màu khác.
Đứng trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu, đòi hỏi con người phải tìm những giải pháp ứng phó để tồn tại. Hiện nay, tại Bến Tre, chưa có kết quả tìm kiếm các giống cây trồng dài ngày, như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, dừa, nhãn, cam, chanh, bưởi... để chống chịu mặn trong tương lai. Riêng nhóm cây ngắn ngày như lúa, mía, hoa màu khác; chỉ có 6 giống lúa vừa được khảo nghiệm năm 2011-2012 tại các huyện ven biển như: MTL 624, MTL 626, MTL 580, OM 9605, OM 9915, OM 9594 chịu được mặn 4‰, năng suất có thể đạt 5 tấn/ha.
Mặt khác, nông dân nhiều nơi trong tỉnh cũng có cách đắp đê, đập, làm cống bộng, chứa nước ngọt trong túi nylon, chủ động ngăn mặn cục bộ từng vùng, từng ấp, từng khu, từng hộ để hạn chế xâm nhập mặn và khả năng tích trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất cây trồng, vật nuôi. Nông dân biết chọn thời vụ tránh ảnh hưởng mặn xâm nhập, chọn nhóm cây trồng thích hợp trên từng vùng đất; áp dụng che bạt, ủ gốc bằng xác bã thực vật, cỏ khô, thảm cỏ… tưới thấm, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước để cây trồng chống chịu mùa khô mặn.
Theo quy luật tồn tại và phát triển của các loài thực vật, mỗi loại cây trồng chỉ có những gen chống chịu, thích nghi môi trường bên ngoài trong một giới hạn, còn biến đổi khí hậu là sự biến thiên của thời tiết trên phạm vi rộng nên cây trồng cũng phải chịu ảnh hưởng của sự biến thiên tác động đó. Do vậy, chính con người lúc bấy giờ phải tự tìm cách để đối phó và thích ứng bằng các biện pháp canh tác cụ thể. Một giống chịu được hạn, mặn cao thì năng suất bị giảm hoặc có những bất lợi khác kèm theo.
Vì thế, trước những diễn biến bất thường, người nông dân cần biết đặc điểm sinh lý chịu mặn của từng nhóm cây trồng mà chủ động ứng phó. Đây là một số giải pháp để đối phó hạn, mặn xảy ra:
- Nhóm cây mẫn cảm với mặn như: sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt, rau ăn lá, kiểng lá… chỉ cần độ mặn chưa đến 1‰ đã gây ảnh hưởng xấu đến cây giống, do đó khi nước mặn 0,5‰ không nên tưới cây giống trong bầu. Các loại cây con, cây giống mới trồng cũng không nên dùng nước mặn tưới phun trên cây.
- Nhóm cây chịu mặn yếu có khả năng chịu mặn từ 1,4‰ đến 2‰ như: cacao, lúa, bắp, đậu, cà chua, ớt, bầu, bí khi tưới trực tiếp lên gốc, nước mặn 1‰ ảnh hưởng sự sinh trưởng và phát triển; riêng cây lúa vào giai đoạn ra hoa thì độ mặn khoảng 1,5‰ có thể gây lép hạt, lúa đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ, có khả năng nhạy cảm với mặn rất cao, tốt nhất không nên đưa nước mặn hơn 1‰ vào ruộng; nếu cần chỉ bổ sung nước đủ ẩm cho lúa. Ngoài ra, có thể bón bổ sung thêm phân lân nhằm tăng cường chức năng phát triển bộ rễ, phun thêm các loại phân bón lá giúp cho quá trình quang hợp, ra hoa, tạo hạt tốt.
- Nhóm cây chịu mặn trung bình: cam, quýt, bưởi, chanh, chuối, mía có khả năng chống chịu được trong điều kiện mặn 2 - 3‰, khi mặn hơn 2‰ không nên tưới vào gốc. Trong đó, bưởi da xanh có khả năng chịu mặn tốt hơn bưởi năm roi nhưng nước mặn hơn 2‰ không nên tưới gốc.
- Nhóm cây tương đối chống chịu được mặn khá: xoài, sapô, dừa… có thể chịu mặn từ 3 - 4‰ nếu nước mặn hơn 4‰ không nên tưới vào gốc.
- Nhóm hoa kiểng: hoa hồng, phong lan… không chịu được mặn. Đa số kiểng lá chịu mặn không quá 1‰; mai chiếu thủy, mai vàng, bông giấy, trúc, tre, cây tắc, kim quýt, thiên tuế, chịu mặn từ 2 - 4‰.
Để thích ứng với hạn mặn, cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, nhằm giữ ẩm, giảm tác hại của mặn đối với cây trồng; tăng cường việc che đậy gốc, chống mất nước tầng đất mặt, giữ ẩm cho cây trồng lâu dài.