
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Ảnh: vista.gov.vn
Các chỉ số chính
Các chỉ số chính của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NCKH&PTCN) bao gồm:
Đầu tư cho NCKH&PTCN: Là hoạt động tạo ra tri thức mới và tạo ra công nghệ mới, là đầu vào nền tảng cho đổi mới sáng tạo (ĐMST). Thực chất của ĐMST phải bắt đầu từ đầu tư cho NCKH&PTCN vì nếu không có NCKH&PTCN thì không thể có phát triển. NCKH&PTCN là đòn bẩy và là công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất và hướng tới phát triển bền vững, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xác định vị thế, tiềm lực của một quốc gia. Đầu tư NCKH&PTCN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và đổi mới của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và nền kinh tế của quốc gia.
Nhân lực NCKH&PTCN: Là nguồn nhân lực có trí tuệ, có tay nghề cao, năng lực tốt, được đào tạo bài bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước. Phát triển nguồn nhân lực NCKH&PTCN là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức.
Công bố khoa học quốc tế: Là những viên gạch nền tảng xây dựng năng lực của một nhà nghiên cứu trong hoạt động NCKH&PTCN. Chất lượng của các công bố quốc tế là thước đo và là một trong những tiêu chuẩn để các cơ quan tài trợ, cấp học bổng, tài trợ kinh phí, xem xét đề bạt học hàm. Công bố quốc tế là sản phẩm tri thức, là kết quả đạt được từ quá trình khám phá, nghiên cứu và tích lũy kiến thức chuyên môn. Vì vậy, các công bố quốc tế không chỉ thể hiện năng lực của người làm nghiên cứu mà còn đóng góp vào nguồn tư liệu tri thức của nhân loại. Có thể nói công bố quốc tế là một hoạt động hiển nhiên của bất kỳ một công trình nghiên cứu và đã trở thành nhu cầu tất yếu của nhà khoa học.
Đăng ký sáng chế: Trong nền kinh tế dựa trên tri thức hiện nay, các chỉ số về sáng chế đã trở thành công cụ quan trọng đo lường hiệu quả NCKH&PTCN của quốc gia nói chung và của các viện nghiên cứu, trường đại học nói riêng. Các thông tin liên quan đến đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ sáng chế được công bố và cập nhật thường xuyên trong các cơ sở dữ liệu quốc gia và quốc tế. Việc bộc lộ đầy đủ thông tin về bản chất của sáng chế theo quy định của pháp luật không chỉ thiết lập cơ sở dữ liệu cho phép tra cứu thông tin về sáng chế mà còn phản ánh sự phát triển của công nghệ và những thành tựu công nghệ trong NCKH&PTCN. Thông tin sáng chế được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu, trường đại học.
Đây là những chỉ số chính để nhìn nhận một quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển, 2 chỉ số đầu vào là đầu tư cho NCKH&PTCN và nguồn nhân lực, nếu được đầu tư đúng hướng thì 2 chỉ số đầu ra là công bố khoa học quốc tế và đăng ký sáng chế sẽ phong phú, đa dạng, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Đầu tư vào NCKH&PTCN giúp các doanh nghiệp và quốc gia chủ động đối mặt với thách thức toàn cầu, bảo đảm sự phát triển mạnh và độc lập kinh tế. Xu hướng thế giới vẫn là không ngừng gia tăng hoạt động NCKH&PTCN. Về tỷ lệ chi cho NCKH&PTCN của doanh nghiệp trên tổng chi quốc gia cho NCKH&PTCN, Việt Nam đã có những tiến bộ lớn từ chiếm dưới 50% nay đã đạt trên 60%, ngang với tỷ lệ của các nước EU và của các nước tốp đầu ASEAN. Tuy nhiên, nếu xét mức chi theo GDP thì còn rất thấp, tổng chi quốc gia cho NCKH&PTCN của Việt Nam mới chỉ đạt 0,42% GDP năm 2021, thấp hơn nhiều so với tốp đầu ASEAN (Singapore 2,22%, Malaysia 1,04%, Thái Lan 1,21%) và đặc biệt là so với các nước hàng đầu châu Á như Trung Quốc (2,43%), Hàn Quốc (4,93%), Nhật Bản (3,35%) và các nước khu vực EU (2,16%), các nước thu nhập cao (2,76%).
Mặc dù đầu tư cho khoa học và công nghệ nói chung và NCKH&PTCN nói riêng còn hạn chế, nhưng năng lực sáng tạo tri thức và công nghệ trong nước ta rất đáng khích lệ. Việt Nam đứng thứ 28 thế giới về đăng ký sáng chế của người dân trong nước, đứng thứ 46 thế giới về công bố khoa học quốc tế, đứng thứ 46 thế giới về Chỉ số ĐMST toàn cầu. Việc nỗ lực tăng đầu tư cho NCKH&PTCN bảo đảm đạt mức 0,8 - 1% GDP vào năm 2025 và 1 - 1,2% GDP vào năm 2030 như mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030 đã đề ra là một thách thức lớn, đòi hỏi phải huy động được sự tham gia tích cực hơn nữa của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là từ doanh nghiệp. Nếu đạt được mục tiêu trên sẽ là một thành công lớn đối với NCKH&PTCN của Việt Nam.
Nguyễn Thanh Tùng
(Trung tâm Khoa học và Công nghệ)