Cần chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

21/12/2022 - 05:47

BDK - Năm 2022, kinh tế tỉnh phục hồi và phát triển khá ấn tượng. Tăng trưởng GRDP bình quân toàn tỉnh đạt 7,33%. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và địa phương, trong đó ngành nông nghiệp có sự đóng góp khá lớn, nhiều thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đã đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống nông dân. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh có những chia sẻ về nội dung trên.

Khảo sát hoạt động của Nhà máy nước An Hiệp, huyện Châu Thành. Ảnh: Hoàng Trung

Khảo sát hoạt động của Nhà máy nước An Hiệp, huyện Châu Thành. Ảnh: Hoàng Trung

* Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm 2022?

- Ông Đoàn Văn Đảnh: Tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 91,92% kế hoạch; sản lượng đạt 97,45% kế hoạch. Sản xuất rau màu tương đối thuận lợi, với diện tích 4.061ha, sản lượng 91.174 tấn, tăng 4,51% so với cùng kỳ và đạt 82,89% kế hoạch. Diện tích trồng cây ăn trái và sản lượng thu hoạch tương đối ổn định so với cùng kỳ, tăng 0,81% diện tích và 3,54% về sản lượng, sản lượng thu hoạch đạt 309.944 tấn. Diện tích và sản lượng dừa tăng nhẹ, giá dừa khô giảm mạnh, bình quân 40 - 50 ngàn đồng/chục. Tình hình tiêu thụ hoa kiểng khá tốt, giá tăng từ 10 - 15% so với cuối kỳ năm 2021. Đề án thành lập Trung tâm Giống và hoa kiểng tỉnh và Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia đang được tập trung triển khai thực hiện, với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng để Chợ Lách trở thành trung tâm sản xuất mang tầm quốc gia.

Chăn nuôi bò, gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi heo có nhiều chuyển biến so với cùng kỳ; tổng đàn bò tăng 6,82%, đàn heo tăng 7,43% và đàn gia cầm tăng 2,50%. Nuôi thủy sản tương đối ổn định, tổng diện tích thả nuôi tăng 6,66%, sản lượng thu hoạch tăng 10,57% so với cùng kỳ. Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân đầu tư khá về quy mô và ngày càng cải tiến hơn khâu thiết kế kỹ thuật về hạ tầng vùng nuôi. Tôm nước lợ phát triển chủ yếu là loài tôm chân trắng, diện tích nuôi ước đạt 567ha, đạt 113,4% kế hoạch, sản lượng 79 ngàn tấn, đạt 54,84% kế hoạch. Nuôi cá tra thâm canh diện tích ước đạt 840ha, tăng 5% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch ước đạt 203 ngàn tấn, tăng 6,84% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 3.782 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 2.062 tàu đánh bắt xa bờ. Hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cảng cá không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh và nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng; ước đến cuối năm 2022, tổng số tàu lên hàng là 1.807 lượt, sản lượng thủy sản qua cảng là 33.516 tấn.

* Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

 - Đến nay, toàn tỉnh có 50 tổ hợp tác (THT), 59 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu... hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh. Ngành nông nghiệp đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về vùng sản xuất tập trung đối với dừa, heo, tôm biển và hoa kiểng.

Nuôi tôm càng xanh trong mương vườn. Ảnh: CTV

Nuôi tôm càng xanh trong mương vườn. Ảnh: CTV

 Trong năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện Chương trình OCOP và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, tỉnh có 158 sản phẩm từ 3 sao trở lên, trong đó có 78 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm đạt 4 sao với 61 chủ thể tham gia. Các sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương tham gia đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong năm 2022. Tiếp nhận, tổng hợp hồ sơ tham gia đánh giá OCOP đợt 2 năm 2022. Đến thời điểm hiện tại, tổng cộng tiếp nhận 53 hồ sơ sản phẩm của 24 chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022. Trong đó có 43 sản phẩm tham gia mới, 10 sản phẩm tham gia chu trình tái chứng nhận, nâng cấp sao.

* Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp còn khó khăn nào?

- Đó là giá một số mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ, nhất là giá dừa khô giảm sâu, kéo dài, trong khi chi phí đầu vào, giá vật tư, nguyên liệu, phân bón... tăng cao nên người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, giảm thu nhập, đầu tư, không tái sản xuất.

Hệ thống công trình ao nuôi của đa số các cơ sở, hộ nuôi chưa đảm bảo được điều kiện an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản như chưa có ao xử lý nước thải, không có ao chứa bùn, gây khó khăn trong công tác kiểm soát môi trường, dịch bệnh, nhất là các vùng nuôi ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh như hiện nay. Công tác xây dựng và triển khai thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh các dịch vụ, mục tiêu của các HTX nông nghiệp còn hạn chế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các THT, HTX còn bộc lộ một số yếu tố không đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả như: quy mô sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu, vốn điều lệ không đáng kể, đầu ra của sản phẩm chưa được ký kết, giá cả không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, chưa tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, chưa tự xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng, nhận thức về pháp luật có phần hạn chế, một số cơ sở thiếu đội ngũ quản lý được đào tạo chuyên ngành về công nghệ thực phẩm, sau thu hoạch. Tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2022 còn chậm tiến độ, tiêu chí chưa đạt tập trung vào tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, hầu hết các công trình đang trong giai đoạn đấu thầu, chưa khởi công xây dựng.

* Những định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp?

- Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực để người dân thực hiện theo định hướng chung của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, trong đó phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao. Tập trung tạo sự lan tỏa cho được cuộc cách mạng nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là xâm nhập mặn; ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt; duy tu, sửa chữa, thực hiện tốt công tác vận hành các công trình thủy lợi hiện có. Thực hiện công tác vận động, tuyên truyền người dân các giải pháp thích ứng với BĐKH, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi cho nông dân nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong điều kiện thích ứng với BĐKH và hạn mặn, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo từng vùng sinh thái. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH có hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ hoặc tương đương nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện và phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản hình thành các vùng sản xuất tập trung, góp phần tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Trong đó, tăng cường hình thành các hình thức hợp tác liên kết sản xuất. Đa dạng hóa các sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nghiên cứu và mở rộng thị trường. Tăng cường chất lượng các bản tin dự báo thị trường nông sản nhằm xác định mùa vụ hợp lý để nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng thời điểm nhu cầu của nông sản trên thị trường.

Rà soát lại các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đề nghị bãi bỏ, sửa đổi, điều chỉnh các chính sách không còn phù hợp. Xây dựng, ban hành các chính sách mới. Việc xây dựng, ban hành chính sách phải phù hợp với tình hình thực tế, khả năng tiếp cận của đối tượng, phải thực sự là đòn bẩy giúp người dân phục hồi và phát triển sản xuất.

* Xin cảm ơn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

“Trong năm 2023, ngành tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tổ chức lại sản xuất trên cơ sở định hướng của tỉnh, có sự điều chỉnh linh hoạt dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác quản lý về đất đai, nên có giải pháp linh hoạt tạm thời đối với các diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch nhưng chưa triển khai để đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời tránh lãng phí tài nguyên. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản. Lấy việc giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản để tăng thu nhập cho nông dân bằng những chương trình, dự án thiết thực”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN