Cần có chính sách cho thân nhân của lực lượng dân quân thường trực

26/10/2024 - 16:14

BDK.VN - Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận tại Tổ về các nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Dữ liệu.

Đại biểu Võ Văn Hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ vào ngày 24-10-2024.

Tham gia thảo luận, đại biểu Võ Văn Hội (Bến Tre), thống nhất cao nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vì dự thảo luật lần này đã tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn được tổng kết qua thực tiễn.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện nhiệm vụ trong lực lượng vũ trang, đại biểu thấy rằng thời gian qua còn nhiều nhóm đối tượng cần phải quan tâm như: Lực lượng dân quân thường trực vì các đối tượng này thường bố trí ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh, đặc biệt khó khăn biên giới biển, hải đảo.

Bên cạnh đó, lực lượng dân quân thường trực và hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ như nhau nhưng thân nhân của lực lượng dân quân thường trực chưa có BHYT như thân nhân của hạ sĩ quan binh sĩ tại ngũ lại có BHYT.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách cho thân nhân của lực lượng dân quân thường trực được hưởng chế độ BHYT (tại điểm l, khoản 3, Điều 12) để khuyến khích, động viên tinh thần làm việc của lực lượng này, đặc biệt là các vùng biên giới, hải đảo...

Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ (tại khoản 4, Điều 12), đại biểu đề nghị đội ngũ sĩ quan dự bị giữ chức vụ chỉ huy, quản lý các đơn vị dự bị động viên được nhà nước hỗ trợ mua BHYT vì các đối tượng này ngoài việc được lương chế độ chính sách theo Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 8-7-2020 của Chính phủ quy định về chế độ xây dựng huy động lực lượng dự bị động viên, chưa có chính sách ưu đãi nào khác. Nếu được, sẽ tạo động lực tác động đến tư tưởng, tình cảm, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và thu hút nguồn đào tạo sĩ quan dự bị sau này.

Đối với dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu có đóng góp mấy nội dung. Vấn đề thứ nhất, về thu thập, số hóa, tạo lập dữ liệu và xác lập quyền sở hữu dữ liệu (tại điểm d, khoản 1, Điều 10) dự thảo luật quy định “Không được thu thập, tổ chức thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp lại dữ liệu mà cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội khác đã thu thập, trừ trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu phục vụ cập nhật hoặc sử dụng cho mục đích xác nhận, xác thực dữ liệu hoặc dữ liệu đó không bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc pháp luật có quy định khác”. Đại biểu đề nghị chuyển nội dung quy định này lên các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9) sẽ phù hợp hơn.

Vấn đề thứ hai, về bảo đảm nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển của Trung tâm dữ liệu quốc gia (khoản 1, Điều 44)  dự thảo luật quy định “Hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước, Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và các nguồn kinh phí hợp pháp khác”, đại biểu cho rằng nội dung này chưa thống nhất với nội dung tại điểm đ, Khoản 4, Điều 29 về nguyên tắc hoạt động của Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia có quy định “Không được chi trùng với ngân sách nhà nước”.

Vấn đề thứ ba, về tổ chức thực hiện (Chương VI), đại biểu đề nghị sửa tên Chương VI “tổ chức thực hiện” thành tên Chương quy định “trách nhiệm quản lý nhà nước về dữ liệu”.

Đồng thời, chuyển nội dung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dữ liệu (tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 56) lồng vào các nội dung quy định về trách nhiệm của Văn phòng Trung ương Đảng (Điều 57), trách nhiệm của các cơ quan Đảng ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy (Điều 58), trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 65) sẽ phù hợp hơn...

* Đối với dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Bến Tre) cho rằng, việc quy định vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu tập trung nhiều các quốc gia tiến bộ trên thế giới đã và đang thực hiện.

Chính phủ số nước ta hiện nay có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu vận hành, khai thác và sử dụng, mỗi cơ sở dữ liệu quốc gia áp dụng một công nghệ riêng khác nhau và việc khai thác chia sẻ thông tin, trách nhiệm dân sự, nhiều vấn đề khác nhau nên chưa có sự kết nối và chưa tạo sự thống nhất, đồng bộ. Qua nghiên cứu dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu còn băn khoăn hai vấn đề.

Thứ nhất, đây là luật mới, quan trọng, cần phải rà soát, đánh giá chính sách một cách kỹ càng, xử lý những vấn đề khác nhau để đảm bảo chất lượng, Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua theo quy trình tại một kỳ họp là chưa đảm bảo thời gian để nghiên cứu, xem xét, đề nghị nên thông qua theo quy trình hai kỳ họp.

Thứ hai, về nguồn lực và điều kiện đảm bảo thực hiện luật này cơ bản đã đầy đủ nhưng đại biểu chưa thấy rõ các chính sách lớn của luật này tập trung vào những vấn đề gì là then chốt, do chính sách chưa rõ nên việc nhận diện tác động cụ thể và tính khả thi của từng chính sách rất khó.

Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu xử lý lại sao cho đáp ứng các yêu cầu này. Đại biểu cũng đặt thêm nhiều vấn đề như: Việc tích hợp các dữ liệu khác nhau vào dữ liệu chung của quốc gia có giải quyết được những bài toán đặt ra hay chỉ là sự tích hợp cơ học. Sau khi tích hợp thì việc khai thác, sử dụng chung như thế nào; thông tin thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng nào cần phải bảo mật; các dữ liệu cá nhân khi khai thác, cung cấp thì phải đảm bảo bí mật đời tư theo quy định của pháp luật dân sự; khai thác, quản lý thu phí cung cấp dịch vụ rồi lên sàn giao dịch dữ liệu thì sàn giao dịch hoạt động như thế nào, cung ứng ra sao, liên thông quốc tế như thế nào...

Về việc thành lập Quỹ dữ liệu quốc gia, đại biểu cho rằng cơ sở dữ liệu do ngân sách nhà nước đầu tư, có thu phí khi khai thác nên cần xem lại có nên vận động thành lập thêm Quỹ này hay không, theo đại biểu nên hạn chế việc thành lập nhiều quỹ ngoài ngân sách.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN