Dân quân tự vệ làm nòng cốt lực lượng phòng không nhân dân

27/06/2024 - 13:00

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 27-6-2024, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định về phòng không nhân dân hiện nay đang được quy định rất nhiều trong các luật chuyên ngành của quân sự. Tuy nhiên, các luật này chưa cụ thể hóa nhiệm vụ của phòng không nhân dân.

Đề nghị cân nhắc những quy định huy động phòng không nhân dân, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ, đối tượng này thường là của lực lượng dân quân, tự vệ cơ quan, không phải trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Do đó, cần quy định cho phép đối tượng được thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ.

Về độ tuổi tham gia phòng không nhân dân, đại biểu Đồng Tháp cũng đề nghị, quy định tuổi tối thiểu mà không quy định tuổi tối đa, miễn là còn đủ sức khỏe phục vụ. Vì đối tượng này làm nhiệm vụ hậu cần là chủ yếu, còn lĩnh vực chiến đấu do lực lượng khác đảm nhiệm.

Tham gia ý kiến, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, dự thảo Luật đã có quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, chưa có quy định về hoạt động sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Do đó, theo đại biểu, cần bổ sung quy định này.

Theo đại biểu Dương Tấn Quân, dự thảo Luật quy định, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. “Cần giải thích rõ cụm từ “có kiến thức về hàng không” với những tiêu chí cụ thể” đại biểu đề nghị và nhấn mạnh, tiêu chí cần đặt ra là được đào tạo bài bản, có chứng chỉ để đảm bảo an toàn hàng không.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đã và sẽ cho ra đời nhiều loại vũ khí tiến công đường không hiện đại, độ chính xác cao. “Trong tương lai nếu có chiến tranh xảy ra, khu vực không gian tầm thấp chắc chắn sẽ là chiến trường nhộn nhịp không thua kém vùng chiến địa dưới mặt đất”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Đắk Lắk, vai trò của phòng không nhân dân trong tham gia chiến đấu với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân để ngăn ngừa đánh địch ở khu vực không gian tầm thấp là quan trọng. Do vậy, cần phải có chính sách, thể chế hoàn thiện để xây dựng, tổ chức hiệu quả thế trận phòng không nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nêu ý kiến về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng cho rằng, quy định như vậy là trùng với quy định về độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ trong khi về tính chất của lực lượng phòng không nhân dân huy động có sự khác biệt so với lực lượng dân quân tự vệ.

“Đề nghị rà soát kỹ hơn quy định này”, đại biểu thảo luận, đồng thời đề nghị xem xét bổ sung trong định nghĩa về phòng không nhân dân nội dung về quản lý, bảo vệ, sử dụng, khai thác khoảng không tầm thấp dưới 5.000 m nhằm bao quát đầy đủ, toàn diện nội hàm của phòng không nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Về khái niệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ quy định tại dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị rà soát tham chiếu các khái niệm quốc tế và một số khái niệm đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ để đảm bảo sự thống nhất; phân định rõ về khái niệm và cách hiểu, cũng như khi triển khai thực hiện. Đồng thời, đảm bảo bao quát đầy đủ và phù hợp với tính đa dạng của các loại phương tiện này cũng như dự liệu được sự phát triển mạnh mẽ của các loại phương tiện này trong tương lai, nhất là trong ứng dụng đối với các hoạt động kinh tế - xã hội.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, về cấp phép bay, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng. Các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng, do Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.

“Từ trước tới nay, Bộ giao cho Cục Tác chiến cấp phép. Nhưng đến nay, số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều, Bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng. Tuy nhiên, khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ chuyến bay”, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay.

Về quy định điều khoản “quét” ở Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, Bộ trưởng bày tỏ hoàn toàn nhất trí và sẽ bổ sung thêm quy định này vào dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ, toàn diện hơn.

Về xác định phương tiện bay siêu nhẹ, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là loại hình phương tiện phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật. Về việc tập huấn, nội dung chương trình phải được thống nhất, nhưng từng chỉ huy, từng cơ quan đơn vị phải xác định nội dung nào cần tập huấn, từ nội dung cơ bản, nội dung chuyên sâu, nội dung nâng cao, nội dung đặc thù.

Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh, đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Về độ tuổi, Bộ trưởng cho biết hiện đang vận dụng tương tự như quy định độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ, người có độ tuổi lớn hơn, có nguyện vọng tham gia cũng sẽ được hoan nghênh. Lực lượng phòng không nhân dân chủ yếu do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Về khái niệm, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ rất quan trọng, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, ở các tầng và nhiều hướng. Khu vực dưới 5.000m là khu vực cực kỳ quan trọng trong tác chiến, vì thế, qua nghiên cứu đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực tiễn kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, tham khảo kinh nhiệm quốc tế, cơ quan soạn thảo đã đề xuất khái niệm như trong dự thảo.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý lại và nêu khái niệm như sau: Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, quân nhân dự bị làm nòng cốt nhằm thực hiện tổng thể các hoạt động và biện pháp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo toàn tiềm lực quốc phòng và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời, phòng, chống, khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN