Từ vụ hè năm 2011, được sự phối hợp của Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, Ba Tri đã triển khai thành công mô hình Cánh đồng mẫu tại ấp Tân Điểm, xã Tân Xuân, với diện tích 74ha, 98 hộ tham gia (diện tích lúa của huyện chiếm 50% diện tích lúa của tỉnh, với 14.200ha). Đã qua hai vụ lúa, mô hình được đánh giá có kết quả khả quan theo hướng có lợi cho người nông dân. Ngoài việc nâng cao năng suất trên cùng diện tích, quan trọng hơn là sản phẩm của bà con nông hộ được bao tiêu và thu mua với giá cao…
Phóng viên báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Thương - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ba Tri như sau:
Ông Lê Văn Cảnh - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm cho biết, sắp tới huyện sẽ triển khai mô hình cánh đồng mẫu tại xã Phong Mỹ với diện tích khoảng 72ha (huyện Giồng Trôm có diện tích lúa 3.850ha). |
* Xin ông cho biết, ý tưởng của ngành khi thành lập mô hình?
- Ông Hồ Văn Thương: Trước đây, huyện cũng đã được Công ty BVTV An Giang chọn làm điểm trình diễn nhiều mô hình sản xuất lúa cao sản, thuốc BVTV, mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác theo “3 giảm, 3 tăng”. Khi Công ty áp dụng mô hình Cánh đồng mẫu lớn tại An Giang cũng có mời huyện Ba Tri qua tham quan, thấy được ý nghĩa và lợi ích của mô hình. Từ vụ hè năm 2011, huyện đề xuất xin Công ty cho áp dụng thí điểm trên địa bàn huyện. Do là mô hình mới, điều kiện canh tác của người dân địa phương có đặc điểm riêng nên mô hình được áp dụng chỉ là Cánh đồng mẫu (chỉ vài chục héc-ta chứ không như Cánh đồng mẫu lớn của An Giang, có tới vài trăm héc-ta).
* Những thuận lợi và khó khăn khi ngành triển khai mô hình ra nông hộ?
- Huyện chọn ấp Tân Điểm của Tân Xuân, bởi cánh đồng này lớn, liền canh liền cư. Khi tập huấn cho người dân về kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là lợi ích khi tham gia vào mô hình (được hỗ trợ giống mới để sản xuất; có cán bộ kỹ thuật thăm đồng hướng dẫn cách bón phân, xịt thuốc; hỗ trợ vốn về phân, thuốc; được bao tiêu sản phẩm với giá cao). Đa số bà con đồng tình, ủng hộ, nhưng việc gom diện tích vào một thửa như kiểu Cánh đồng mẫu lớn của An Giang thì bà con địa phương không chấp nhận, bởi vì bà con cần phải có rơm để chăn nuôi bò. Vì thế, cánh đồng mẫu của địa phương chỉ là việc gom nông hộ, diện tích lại thành một khu để tiện quản lý, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo hướng VietGAP. Cái khó của Cánh đồng mẫu là việc giải phóng sức người chưa được áp dụng triệt để, việc cơ giới hóa nông nghiệp chỉ diễn ra ở một vài khâu như máy phun thuốc, máy bơm nước. Sạ và thu hoạch vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống (sạ hàng, vẫn còn phải cắt, gánh, chỉ có máy gặt xếp dãy).
* Phương hướng tới, ngành có mở rộng áp dụng ở những địa phương khác trong huyện?
- Thấy rõ hiệu quả mang lại từ Cánh đồng mẫu của ấp Tân Điểm, bà con rất muốn được vào mô hình. Sắp tới, ngành triển khai cho ấp Tân Thanh II và Tân Thanh III của xã Tân Xuân, rồi xã Mỹ Nhơn. Khâu khảo sát, tập huấn kỹ thuật cho nông dân đến nay cơ bản đã hoàn chỉnh. Vụ Hè Thu năm 2012 này sẽ áp dụng.
* Ngành có kiến nghị gì không?
- Để mô hình thật sự khép kín, giải phóng được sức lao động của nông hộ trên đồng ruộng, ngành cũng đang kiến nghị Sở NN&PTNT hỗ trợ vốn để nông hộ mua các thiết bị cơ giới, trước mắt là mua máy gặt đập liên hợp. Có được cái máy này, bà con nông hộ sẽ tiết kiệm hơn nữa chi phí sản xuất…
* Xin cảm ơn ông!