Khảo sát vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành.
Nỗ lực phòng trị
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Võ Văn Nam cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo Chi cục TT&BVTV cùng các ngành chuyên môn nhanh chóng triển khai công tác điều tra, phát hiện, dự báo tình hình gây hại cũng như thực hiện công tác phòng trừ SĐĐ. Cụ thể, tháng 7-2020, phát hiện vườn dừa bị SĐĐ gây hại đầu tiên tại xã Phú Long (Bình Đại) với diện tích 0,5ha. Sau đó, SĐĐ tiếp tục lây lan và gây hại trên diện rộng. Các ngành chức năng đã hỗ trợ phòng trị, một số diện tích dừa bị nhiễm bệnh đã dần phục hồi sinh trưởng. Tuy nhiên, SĐĐ vẫn còn lây lan tại các ổ dịch cũ. Sau khi thực hiện công tác phòng trừ, đến nay, diện tích dừa nhiễm bệnh SĐĐ tại các địa phương phục hồi được 381ha.
Tính đến nay, tổng diện tích nhiễm SĐĐ là 609,36ha, đã phục hồi được 381,99ha. Như vậy, từ tháng 7-2020 đến nay, có 991,35ha dừa bị nhiễm SĐĐ. Qua bảng số liệu cho thấy, giai đoạn đầu sau khi SĐĐ xuất hiện và gây hại, diện tích nhiễm và lây lan khá nhanh. Tuy nhiên, sau khi triển khai thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng trừ, có 381ha dừa phục hồi sinh trưởng. Hiện nay, diện tích dừa phục hồi tăng lên và đang tiếp tục được các địa phương thống kê. Diện tích nhiễm và lây lan có dấu hiệu chậm lại, không biến động nhiều so với giai đoạn đầu trước khi thực hiện công tác phòng trị. Cho thấy tình hình nhiễm SĐĐ trên địa bàn tỉnh dần được kiểm soát.
Tuy nhiên, thời tiết, gió lớn như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho SĐĐ gây hại và lây lan mạnh. Để hạn chế thiệt hại, cần tiếp tục điều tra phát hiện, tuyên truyền các biện pháp quản lý và tăng cường nhân nuôi thiên địch, đặc biệt là ong ký sinh để phóng thích nhằm dần kiểm soát SĐĐ hại dừa trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2022 và thời gian tới.
Quyết liệt và đồng bộ
Ngày 4-4-2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1905 về việc tăng cường công tác xử lý SĐĐ gây hại cây dừa, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng trị SĐĐ đã áp dụng hiệu quả trong thời gian qua, nhất là các giải pháp xử lý theo hướng sinh học an toàn.
Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục TT&BVTV phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiếp tục tăng cường công tác quản lý, phòng trừ SĐĐ hại dừa, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các địa phương ra quân đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng trừ nhằm hạn chế thiệt hại và lây lan. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn chỉnh và đẩy nhanh kết quả đề tài “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre”. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã nhanh chóng thành lập Tổ chuyên trách và Bộ phận giúp việc phòng trừ SĐĐ gây hại dừa để tham mưu cho Ban giám đốc sở thực hiện việc chỉ đạo công tác phòng trừ SĐĐ gây hại dừa trên địa bàn tỉnh.
Chi cục TT&BVTV đã biên soạn hoàn tất quy trình quản lý tạm thời SĐĐ hại dừa dựa trên các tài liệu, hướng dẫn của Trung tâm BVTV phía Nam và một số ghi nhận thực tế tại tỉnh, kết quả khảo nghiệm thuốc. Đến nay, đã in và phát 30 ngàn tờ bướm “Biện pháp quản lý tạm thời SĐĐ” để tuyên truyền sâu rộng đến các ban, ngành, địa phương và người nông dân.
Năm 2021, Chi cục TT&BVTV đã phối hợp với các địa phương tổ chức 10 cuộc tập huấn triển khai “Biện pháp quản lý tạm thời SĐĐ” đến cán bộ địa phương và nông dân trồng dừa tại các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm. Ngoài ra, Trạm TT&BVTV các huyện đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền thông qua đài truyền thanh huyện, xã. Chi cục TT&BVTV lồng ghép hướng dẫn phòng trị SĐĐ trong các lớp kỹ thuật chăm sóc dừa, bưởi da xanh và cây ăn trái khác để tuyên truyền sâu rộng đến người nông dân. Phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Nichino Việt Nam hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trị SĐĐ trên chương trình truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, giúp nông dân nhận biết triệu chứng và cách phòng trị SĐĐ hại dừa đúng cách, hiệu quả, hạn chế tái nhiễm.
“Chi cục TT&BVTV phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh xây dựng nhiều mô hình phóng thích ong ký sinh kiểm soát SĐĐ hại dừa trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá chung, đa số các mô hình có hiệu quả, các vườn dừa đã dần phục hồi sinh trưởng. Huyện Mỏ Cày Bắc nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng NN&PTNT, Trạm TT&BVTV, Trạm Khuyến nông và sự hỗ trợ của Trạm Chăn nuôi và Thú y, đến nay, công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh khá thành công, đang từng bước tự chủ được nguồn ong ký sinh phóng thích trên các vườn dừa nhiễm SĐĐ trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, Trạm TT&BVTV các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và Thạnh Phú cũng đã triển khai công tác nhân nuôi ong ký sinh đến nông dân và được địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Tại Châu Thành đã có một số hộ dân ở xã Phước Thạnh nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh khá thành công, góp phần quản lý tốt vườn dừa nằm trong khu vực nhiễm SĐĐ mà không cần sử dụng thuốc BVTV”.
(Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam)
|
Bài, ảnh: Hữu Hiệp