Cảnh giác với các bệnh mùa nắng

17/03/2010 - 08:46
Thức ăn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Ảnh: B.TR

Chưa 10 giờ mà nhiệt độ đã lên cao. Dù được trang bị bao tay, khẩu trang nhưng cái nắng nóng vẫn như cháy thịt. Trên đường Đoàn Hoàng Minh (P.6 thành phố Bến Tre), dưới những tàn cây râm mát, từng chiếc xe bán thức ăn, nước uống, bánh mì đậu trước cổng  Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Nhìn sự ngổn ngang, thiếu trật tự, chị Vân bán bắp (quê Giồng Trôm) cho biết: “Mùa nắng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất là quan trọng, vì thế tôi luôn để bắp trong bọc, trái bắp vừa nóng vừa tránh bụi. Đã nhiều năm chứng kiến cảnh người bán rong đẩy xe bánh canh, hủ tiếu ở đây bày biện thức ăn chín sống lẫn lộn, không  đậy che, nên tôi không dám ăn. Những người đến ăn phần lớn là dân lao động, người nuôi bệnh, vì họ chuộng giá bình dân. Tôi đã  chứng kiến không ít trường hợp bị ngộ độc thức ăn phải nhập viện. Tôi cảm thấy sợ lắm.” Tương tự, dừng xe một số nơi: bờ hồ Trúc Giang, trước cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trường Tiểu học Bến Tre, Phú Thọ (thành phố Bến Tre), tôi cũng bắt gặp những xe trái cây ướp lạnh, nào là ổi, khóm, dưa hấu, xoài, cóc ngâm, cá viên chiên…Đây là những món khoái khẩu của các em học sinh. Em Mộng Ngọc nói: Con thường ăn vặt lắm, con thích ăn cá viên chiên nhất, ăn xong mua nước uống có ngàn đồng một ly. Hiện nay, ở căng-tin trường con có bán nên mua tại đó. Thầy cô cấm, không cho ăn vặt bên ngoài cổng trường, nếu thấy bạn nào ăn thì bị Đội cờ đỏ ghi tên vào sổ. Con thấy cũng có một số bạn mua lén, cô không biết. Ở nhà, ba mẹ con không cấm ăn vặt, con ăn uống hoài không có sao hết, lâu lâu mới có một bạn than đau bụng…
Các xe bán hàng rong cũng góp phần vào sự nguy hiểm ấy. Nắng nóng làm thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn và gây ngộ độc; nắng nóng, trẻ em lẫn người lớn thường mắc các loại bệnh: rôm sảy, say nắng, say nóng, tiêu chảy cấp... nếu như không có biện pháp phòng ngừa. Đáng lưu ý là bệnh tiêu chảy cấp rất nguy hiểm. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.900 cas tiêu chảy, chủ yếu do rối loạn tiêu hóa, ăn uống không hợp vệ sinh. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác: nguồn nước bị ô nhiễm, ăn thức ăn ôi thiu được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng, thức ăn hàng rong có mầm bệnh…
Trưởng khoa dịch tễ - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - bác sĩ Hồ Trung Tuyến cho biết: Để ngăn ngừa và phòng dịch bệnh lây lan, mọi người phải giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch. Khi có người bị tiêu chảy cấp, gia đình phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất biết để được điều trị kịp thời. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung giám sát thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất thực phẩm, sản xuất nước đá. Tại các bệnh viện tuyến huyện, các nhân viên đã được tập huấn cách điều trị và sẵn sàng ứng phó khi có dịch. Song, cách phòng chống bệnh thông thường nhất là: ăn chín, uống nước sôi để nguội, thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

B.Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN