BDK.VN - Ngày 9-10-2024, Chính phủ có Tờ trình 623/TTr-CP gửi Quốc hội khoá XV về việc quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Quang cảnh buổi thảo luận của Tổ 9 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội của 4 tỉnh: Bến Tre, Hòa Bình, Phú Yên và Quảng Ninh).
Theo đó, ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của toàn nhân loại. Ma túy gây tác hại trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, sức khỏe…; đồng thời là một trong những nguyên nhân làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh con người, an ninh xã hội, sự ổn định, phát triển và trường tồn của đất nước, dân tộc.
Vì vậy, theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình, trước những áp lực ngày càng gia tăng của tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy vào cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 với cơ quan chủ trì quản lý Chương trình là Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị phối hợp, thực hiện gồmcác Bộ, cơ quan: Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Quốc phòng; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Tư pháp; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối tượng thụ hưởng của chương trình là người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước với thời gian thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030. Trong đó, năm 2025: Thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình; giai đoạn 2026 - 2030: Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Tổng vốn thực hiện chương trình 22.450,194 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương tối thiểu là 17.725,657 tỷ đồng (chiếm 78,96%), vốn ngân sách địa phương khoảng 4.674,537 tỷ đồng (chiếm 20,82%) và vốn huy động hợp pháp khác dự kiến 50 tỷ đồng (chiếm 0,22%). Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện chương trình bảo đảm hiệu quả.
Với mục tiêu tổng quát của chương trình là phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý.
Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình cũng đề ra hệ thống các mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu chủ yếu.
Chương trình gồm 9 Dự án thành phần do 8 Bộ, ngành chủ trì, cụ thể: (1) Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia (Bộ Công an chủ trì); (2) Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma tuý (Bộ Công an chủ trì); (3) Nâng cao năng lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý của Bộ Quốc phòng (Bộ Quốc phòng chủ trì)baogồm 2 Tiểu dự án; (4) Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở (Bộ Công an chủ trì);
(5) Nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy và quản lý sau cai (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì); (6) Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma tuý (Bộ Y tế chủ trì); (7) Truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì)bao gồm 4 Tiểu dự án; (8) Nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng về dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng và giáo dục pháp luật trong phòng, chống ma tuý (Bộ Tư pháp chủ trì); (9) Giám sát, đánh giá Chương trình (Bộ Công an chủ trì).
Chương trình đề ra nhiều giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan, đơn vị.
Về thời gian thực hiện, Chính phủ đề xuất chương trình bắt đầu thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030. Giao Chính phủ trên cơ sở tổng kết đánh giá chương trình để đề xuất tiếp tục chủ trương đầu tư cho giai đoạn 2031 - 2035.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thì Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030sẽ được thảo luận tại tổ, tại hội trường và biểu quyết thông qua vào chiều ngày 27-11-2024.