Chợ Lách sẵn sàng các kịch bản ứng phó hạn mặn

29/12/2023 - 05:27

BDK - Huyện Chợ Lách là cái nôi của nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài trong mùa khô đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất cây giống, hoa kiểng của huyện. Do đó, bên cạnh việc phát triển sản xuất, công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn được chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.

Người dân xã Sơn Định (Chợ Lách) đào ao trữ nước ngọt để ứng phó với tình hình hạn mặn.

Người dân xã Sơn Định (Chợ Lách) đào ao trữ nước ngọt để ứng phó với tình hình hạn mặn.

Giải pháp công trình và phi công trình

Trước đây, vùng đất Chợ Lách nước ngọt quanh năm nên rất thuận tiện trong sản xuất cây giống, hoa kiểng, cây ăn quả, đem lại nguồn thu rất lớn cho bà con nông dân và góp phần tăng tỷ trọng kinh tế nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, những năm gần đây, nước mặn đã xâm nhập tới các nhánh sông, vô mương vườn gây thiệt hại lớn cho người dân vì hoa kiểng, cây giống rất mẫn cảm với nước mặn.

Theo dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020. Dự báo xâm nhập mặn sẽ gây thiệt hại lớn đến huyện nếu như không có sự chủ động ứng phó. Trước tình hình đó, UBND huyện Chợ Lách đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp, chú trọng đầu tư các công trình nhằm ứng phó thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Văn Hòn cho biết: Để ứng phó với hạn mặn, công tác xây dựng hệ thống đê bao thủy lợi gắn với phát triển giao thông đã được địa phương tăng cường. Đến nay, huyện đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khoảng 364km đê bao, nạo vét kênh, mương nội đồng với hơn 80,4km. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động là 10.890ha (đạt 92,39%). Bên cạnh đó, ngành chức năng ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền, thông báo cho người dân kịp thời có giải pháp ứng phó nếu nước mặn xâm nhập, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

Bên cạnh các giải pháp công trình do Nhà nước đầu tư, nhân dân đã chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn. Việc trữ nước được thực hiện bằng cách tận dụng các dụng cụ sẵn có như các ống hồ, bồn chứa, túi chứa nước, trữ nước trong mương vườn, dùng túi trữ nước, đào hố trải bạt, đắp các công trình đập tạm để trữ nước ngọt trong các kênh rạch tự nhiên… Đồng thời, học tập, nhân rộng các mô hình, giải pháp hay về trữ nước ngọt có hiệu quả; sử dụng nước tiết kiệm; bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước trong các sông, kênh rạch...

Anh Lê Tấn Đạt, ngụ xã Vĩnh Thành cho biết gia đình anh sản xuất mai vàng trên diện tích 7.000m2 đất. Hạn mặn mùa khô năm 2019-2020, mặc dù đã có tâm thế chuẩn bị, nhưng do hạn mặn gay gắt và kéo dài nên cây vườn nhà thiếu nước, suy yếu, thiệt hại nhiều. Năm nay, để chủ động phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất, anh Đạt đầu tư gần 30 triệu đồng để đào ao trải bạt trữ nước ngọt phục vụ sản xuất của gia đình.

“Gia đình tôi chuyên sản xuất mai vàng các loại. Mai là loại rất mẫn cảm với nước mặn. Đặc biệt đối với mai trồng trên chậu, chỉ cần nước có độ mặn thấp tưới vào cây sẽ bị suy yếu và chết dần. Năm nay, tôi đầu tư ao trải bạt trữ nước ngọt với trữ lượng khá lớn nên yên tâm trong mùa hạn mặn năm nay”, anh Đạt chia sẻ.

Hay anh Nguyễn Văn Việt cũng ngụ xã Vĩnh Thành chia sẻ: “Khu vực nhà tôi đã có hệ thống đê bao cục bộ và đập tạm do Nhà nước đầu tư để ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên, qua thời gian, các nắp cống để điều tiết nước ra vào đã hư hỏng. Để ứng phó với tình hình hạn mặn năm nay, các hộ dân trong ấp hùn tiền lại làm mới các nắp cống để trữ nước ngọt phục vụ cho mùa hạn mặn năm nay”.

Xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp

Nhằm đảm bảo công tác ứng phó khả năng thiếu hụt nguồn nước tưới, nắng nóng, khô hạn theo dự báo sẽ tác động đến việc sản xuất và sinh hoạt ở huyện mùa khô năm 2023-2024, UBND huyện đã xây dựng 4 kịch bản với các cấp độ xâm nhập mặn để có phương án ứng phó từ thấp đến cao. Phân công thành viên Ban Chỉ đạo huyện hỗ trợ các xã trong công tác tiếp cận thông tin và đề xuất các giải pháp ứng phó có hiệu quả cho địa phương.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể phương án ứng phó phù hợp với tình hình tại địa phương, có giải pháp và lộ trình nạo vét kênh mương, đắp các đập tạm, đảm bảo hệ thống sông rạch cơ bản thông thoáng, đủ điều kiện tích trữ nước an toàn cho sản xuất. Địa phương thường xuyên thăm dò độ mặn để thông tin giúp người dân theo dõi diễn biến mặn, canh lấy nguồn nước ngọt.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: Phòng thường xuyên theo dõi tình hình dự báo mặn và triều cường từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn; đo mặn tại cửa (vàm) sông chính, tổ chức 1 điểm đo mặn tập trung tại UBND huyện để hỗ trợ kiểm tra mẫu nước do người dân mang đến; đồng thời, khuyến cáo người dân về mức độ chịu mặn của các loại cây trồng. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về việc tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách khoa học cho sản xuất trong điều kiện thiếu nước.

“Ngành nông nghiệp huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương có kế hoạch vận hành các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện phù hợp với tình hình xâm nhập mặn. Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống, ứng phó của huyện. Tiến hành rà soát diện tích vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng vùng trồng để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp”.

(Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị)

Bài, ảnh: Quang Khởi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN