Chợ Lách tăng cường ứng phó xâm nhập mặn

03/12/2021 - 06:01

BDK - Sau Tết Nguyên đán hàng năm thì nước mặn bắt đầu xâm nhập sâu vào đất liền. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, nước mặn xâm nhập huyện Chợ Lách trước Tết Nguyên đán và kéo dài khoảng 5 tháng. Hiện nay, người dân Chợ Lách đang cùng với các ngành có liên quan ra sức chuẩn bị ứng phó xâm nhập mặn.

Mô hình túi trữ nước ngọt của nông dân Chợ Lách. Ảnh: T. Châu

Mô hình túi trữ nước ngọt của nông dân Chợ Lách. Ảnh: T. Châu

7 đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt

Trong năm 2021, huyện đã tổ chức xây dựng 7 công trình đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ 50% (gần 2 tỷ đồng). Diện tích ứng phó xâm nhập mặn 11.476ha đất nông nghiệp. Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, năm 2021 và các năm tiếp theo, nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào các sông chính là Hàm Luông và Cổ Chiên. Do thượng nguồn sông Mê Kông mực nước cạn kiệt nên khả năng thiếu nước thường xuyên vào mùa khô sẽ xảy ra và mặn sẽ xâm nhập sâu trên toàn huyện. Do đó phải thường xuyên bảo quản và sớm hoàn chỉnh các đập trữ ngọt: đập Rạch Vông, đập Rạch Đình, đập Rạch Ranh xã Vĩnh Bình; hoàn chỉnh đập Hòa Khánh, đập Thanh Trung xã Hưng Khánh Trung B; đập rạch Cái Kho, đập rạch Vàm Kinh xã Phú Phụng; đập Phú Hội xã Vĩnh Thành; đập rạch Cái xã Sơn Định; đập Giác Long, đập Vàm Hưng Hòa, đập 2/9, đập Kênh Lai Phụng xã Hòa Nghĩa…

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: Một tháng qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành huyện có liên quan để triển khai đến các xã chủ động ứng phó xâm nhập mặn. Thường xuyên đo độ mặn, tuyên truyền người dân qua zalo, truyền thanh… Huyện chưa có công trình quy mô lớn, chỉ có công trình cục bộ để ngăn mặn, trữ ngọt. Cái khó là vừa chống lũ vừa chống mặn.

 

Nhà nước và nhân dân cùng trữ ngọt

Xã Phú Sơn ven sông Hàm Luông với 720ha đất nông nghiệp. Phú Sơn là 1 trong 2 xã đầu tiên (Phú Sơn và Hưng Khánh Trung B) ở Chợ Lách bị xâm nhập mặn. Phó chủ tịch UBND xã Đặng Quốc Việt nói: Năm 2020, nước mặn lên gần 11%o, sau trận nước mặn, hơn 200 hộ đào ao có diện tích dưới 500m2 và trên 30 hộ đào ao có diện tích trên 500m2 để trữ nước ngọt.

Ông Huỳnh Văn Vận ở ấp Mỹ Sơn Tây, xã Phú Sơn đầu tư gần 60 triệu đồng để đào ao lót bạt chống thấm nước. Ảnh: Hoàng Vũ

Ông Huỳnh Văn Vận ở ấp Mỹ Sơn Tây, xã Phú Sơn đầu tư gần 60 triệu đồng để đào ao lót bạt chống thấm nước. Ảnh: Hoàng Vũ

Ông Huỳnh Văn Vận ở ấp Mỹ Sơn Tây, xã Phú Sơn cho biết: “Năm 2020, sau trận nước mặn, tôi bỏ ra gần 60 triệu đồng để hoàn thành ao lót bạt chống thấm nước. Ao dài 35m, rộng 20m, từ mặt đất đào xuống 4,5m, từ mặt đất đấp bờ bao lên cao 1,5m. Hiện nay, tôi đang trữ nước sông để tưới khoảng 60 ngàn cây giống sầu riêng vào mùa hạn mặn”.

Còn ở xã Vĩnh Thành sử dụng nguồn nước từ sông Hàm Luông là chính. Chủ tịch UBND xã Mai Văn Đến cho biết: hiện toàn xã có 2.340 ao đất lót bạt trữ nước, trong đó khoảng 50 hộ đào ao có diện tích trên 500m2. Đã vận động người dân được 320 triệu đồng đóng góp xây dựng đập cầu Hòa Khánh để trữ nước ngọt. 12/12 ấp đều có công trình trữ nước ngọt.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành đầu tư 230 triệu đồng để đào ao với diện tích 1.100m2, có sức chứa 6.500m3 nước. Ảnh: Hoàng Vũ

Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành đầu tư 230 triệu đồng để đào ao với diện tích 1.100m2, có sức chứa 6.500m3 nước. Ảnh: Hoàng Vũ

Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành phấn khởi: “Tháng 10-2020, tôi đã đào ao đất lót bạt trữ nước ngọt để tưới khoảng 200 ngàn cây giống: sầu riêng, mít… với diện tích 10.000m2 trong mùa hạn mặn. Tôi phải chi ra 230 triệu đồng để đào ao với diện tích 1.100m2, có sức chứa 6.500m3 nước. Tôi rất an tâm khi có ao này, sắp tới tôi dẫn nước mưa vào ao để không lãng phí nước mưa”.

Xã Hưng Khánh Trung B nằm ven sông Cổ Chiên. Đây là xã đầu tiên cập sông Cổ Chiên của Chợ Lách bị xâm nhập mặn khi nước mặn dâng cao. Toàn xã có diện tích đất nông nghiệp là 847,7ha. Năm 2020, Hưng Khánh Trung B bị xâm nhập mặn khoảng 6%o, năm 2021, hệ thống ngăn mặn trữ ngọt của xã được đầu tư nhiều hơn. Sửa chữa, trang bị các nắp cống: Ba Trọng, Hai Chiến, Ba Gần, Hai Xa… để phục vụ ngăn mặn trữ ngọt. Năm qua, đã hoàn thành nâng cấp bờ bao từ cầu Cái Hàn đến cầu cáp treo ở ấp Phú Hòa với kinh phí 700 triệu đồng, sửa chữa đê bao sạt lở từ cầu Cái Hàn đến cầu Vàm Xã 800 triệu đồng, sửa chữa cống đình Phú Long ở ấp Phú Hưng 190 triệu đồng. Tháng 1-2021 hoàn thành đưa vào sử dụng cống đập Thanh Trung ngăn mặn, trữ ngọt đoạn kênh dài 3,5km có sức chứa trên 150.000m3 phục vụ khoảng 200ha đất nông nghiệp của 3 ấp: Thanh Trung, Tân Trung và Trung Hiệp.

“Ngành chức năng huyện và các xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ảnh hưởng của hạn mặn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp. Qua đó, phát động nhân dân nâng cao tính chủ động, tích cực trữ nước mưa, nước ngọt trong ao lót bạt, mương vườn. Theo dõi chặt chẽ độ mặn tại các sông chính như sông Hàm Luông, vàm Mơn, vàm Mỹ Sơn và sông Cổ Chiên, vàm Cái Hàn. Sau đó thông tin trên hệ thống truyền thanh huyện, xã để nhân dân biết chủ động ứng phó, bố trí lịch tưới, trữ nước. Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước, hạn chế thiệt hại do nước mặn gây ra đối với cây trồng, vật nuôi như sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, tưới phun trên cây ăn trái”.

 (Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Trần Văn Đém)

Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN