- UBND tỉnh trả lời: Về nghiên cứu các giống cây, con thích nghi được với sự xâm nhập mặn để đảm bảo cho sản xuất, nuôi trồng của nhân dân: Thực hiện Nghị quyết số 120/2017/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực chuyển đổi sản xuất tập trung phát triển theo vùng chuyên canh, cụ thể:
+ Đối với vùng ngọt: sản xuất nông nghiệp chủ yếu là kinh tế vườn, tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản có thế mạnh của tỉnh (bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm); thủy sản chủ yếu là nuôi theo mương vườn, bè cho các loại thủy sản nước ngọt.
+ Đối với vùng lợ: chủ yếu là trồng dừa xen cây ăn trái kết hợp nuôi tôm càng xanh.
+ Đối với vùng mặn: nuôi chuyên canh các loại thủy sản nước lợ, nước mặn như tôm, nghêu, cua; đồng thời, phát triển chuyên canh và luân canh lúa tôm.
Hiện nay, đối với lĩnh vực chăn nuôi có những loài vật nuôi có khả năng thích nghi với điều kiện nắng nóng, nước nhiễm mặn như: trâu, bò, dê, vịt biển. Những loài vật nêu trên có khả năng tăng trưởng, phát triển bình thường vào những thời điểm độ mặn trong nước lên cao. Cụ thể, trâu, bò, dê có khả năng chịu mặn đến dưới 7%o; vịt biển có khả năng chịu mặn từ 11 - 15%o.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao cho các ngành tiếp tục phối hợp với các viện, trường tiếp tục nghiên cứu, lai tạo các loại cây giống, con giống thích nghi với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho người dân. UBND tỉnh thông tin đến quý cử tri theo dõi và tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện.
BBT