BDK.VN - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 9-5-2025, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc tỉnh Bến Tre có ý kiến đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi -, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội trường.
Trước tiên, đại biểu đồng thuận cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính vừa trình bày. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật, đại biểu Yến Nhi cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu có góp ý về quy định đối tượng chịu thuế là các loại nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100 ml.
Theo quan điểm cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi hoàn toàn đồng tình với việc bổ sung nhóm nước giải khát có hàm lượng đường cao vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đơn thuần nhằm tăng nguồn thu ngân sách, mà quan trọng hơn, đây là một công cụ điều tiết tiêu dùng, góp phần định hướng hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng tích cực và lành mạnh hơn. Trong thực tế hiện nay, thói quen tiêu dùng, đặc biệt là ở giới trẻ, đang đặt ra nhiều lo ngại. Việc lạm dụng nước giải khát có đường, thức ăn nhanh kết hợp với lối sống ít vận động, sử dụng điện thoại trong thời gian dài và ngủ rất muộn là những yếu tố tạo nên nguy cơ lớn cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Dù hiện tại có thể chưa thấy rõ hệ lụy, nhưng về lâu dài, 10 năm, 20 năm tới, hậu quả đối với sức khỏe thế hệ tương lai sẽ rất nghiêm trọng nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, việc Nhà nước chủ động điều tiết hành vi tiêu dùng thông qua công cụ thuế là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh và là bước đi phù hợp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Việc bổ sung nhóm nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận rằng công cụ thuế không phải là “chiếc đũa thần” có thể ngay lập tức thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng của người dân. Thuế chỉ là một phần trong tổng thể các giải pháp điều chỉnh hành vi xã hội. Do đó, song song với việc áp dụng thuế, công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe cần được đẩy mạnh một cách đồng bộ và có chiều sâu. Đặc biệt, ngành y tế cần chủ động đưa ra các cảnh báo rõ ràng, mạnh mẽ và có sức thuyết phục hơn về những hệ lụy của việc lạm dụng nước ngọt có đường và các sản phẩm không lành mạnh. Những thông tin này cần được truyền tải rộng rãi, dễ tiếp cận và phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là giới trẻ, nhóm đối tượng đang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các xu hướng tiêu dùng hiện nay. Vì vậy, đại biểu Yến Nhi kiến nghị ngoài việc hoàn thiện quy định pháp luật, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành nhất là Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các chiến dịch truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân. Chỉ khi người dân hiểu rõ tác hại, họ mới có thể chủ động điều chỉnh hành vi tiêu dùng một cách bền vững.
Ngoài việc bổ sung quy định trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có hàm lượng đường cao, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng cần có thêm những lưu ý quan trọng để tránh tình trạng chính sách bị vô hiệu hóa trên thực tế. Cụ thể, nếu chỉ áp dụng thuế đối với các sản phẩm nước giải khát sản xuất công nghiệp mà không kiểm soát các loại đồ uống tương tự được bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là các loại nước uống đường phố có hàm lượng đường cao nhưng không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật, thì mục tiêu hạn chế tiêu dùng sẽ khó đạt được. Thậm chí, điều này còn có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực là người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm không kiểm soát được chất lượng, từ đó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, liên quan đến đối tượng chịu thuế là nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị cần xem xét loại trừ một số sản phẩm tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cao, tiêu biểu là nước dừa đóng hộp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước dừa là thức uống giàu khoáng chất thiết yếu như kali, natri, canxi và magiê, những chất đóng vai trò quan trọng trong việc bù nước, cân bằng điện giải và nâng cao sức khỏe. Đây có thể là lựa chọn thay thế lành mạnh hơn so với các loại nước ngọt có ga hay nước giải khát công nghiệp chứa nhiều đường. Thậm chí, trong ký ức của nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ ông bà, nước dừa còn từng được sử dụng trong hoàn cảnh đặc biệt trong thời chiến, khi vật tư y tế khan hiếm. Khi ấy, nước dừa đã được dùng thay thế dịch truyền để cứu sống nhiều chiến sĩ bị thương điều đó càng cho thấy giá trị đặc biệt của loại thức uống tự nhiên này.
Vì vậy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị khi xây dựng danh mục các loại nước giải khát chịu thuế theo tiêu chí hàm lượng đường, cần có sự phân loại kỹ lưỡng, linh hoạt và khoa học. Những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, có lợi cho sức khỏe như nước dừa nên được cân nhắc loại trừ khỏi diện chịu thuế để khuyến khích tiêu dùng sản phẩm lành mạnh, phù hợp với mục tiêu sức khỏe cộng đồng mà chính sách hướng tới.