Chó, mèo phải được nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình.
Công bố các ổ dịch
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, với 8 trường hợp người bị tử vong được xác định do bệnh dại và 6 trường hợp chó nghi dại được lấy mẫu kiểm tra đều cho kết quả dương tính với vi-rút dại. Có 5 ổ dịch bệnh dại đã được công bố, gồm: xã Phú Túc (Châu Thành), xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách), thị trấn Mỏ Cày và xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam), phường An Hội (TP. Bến Tre).
Theo số liệu thống kê, hiện nay tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 217 ngàn con, phân bố rải rác trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Qua tổng hợp báo cáo của Sở NN&PTNT, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo mới chỉ đạt 34,34%, chưa đủ điều kiện để phòng chống dịch bệnh trong tình hình hiện nay.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT đề nghị, UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo các văn bản nêu trên. Đặc biệt, rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn, vận động người dân thực hiện triệt để công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó, mèo nuôi, đảm bảo tỷ lệ: Vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp: toàn đàn chó, mèo khỏe mạnh. Các vùng còn lại: tối thiểu 70% tổng đàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về tình hình bệnh dại và các biện pháp phòng tránh trên hệ thống truyền thanh của xã để người dân nắm được thông tin kịp thời.
Biểu hiện của bệnh dại
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm chung cho người và động vật máu nóng có vú, trong đó chó là con vật chủ yếu lây truyền bệnh dại cho người. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, gây chết người. Người nếu bị chó mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn nhưng không đi tiêm vắc-xin dại kịp thời hoặc tiêm không đủ số mũi, khi đã lên cơn dại chắc chắn sẽ chết vì bệnh dại không có thuốc chữa.
Biểu hiện của bệnh dại trên chó, mèo có thể nhận biết như: chó thay đổi thói quen thường ngày, có biểu hiện thần kinh, hung dữ khác thường, chạy lung tung, hoảng loạn, cào cắn người và động vật khác; có biểu hiện vô tri, không nhận biết chủ; luôn thè lưỡi ra ngoài, chảy nhiều nước bọt, không nhai, không nuốt, mắt đỏ, sợ gió, sợ nước; sau vài ngày chó kiệt sức, bị liệt dần rồi chết.
Để phòng tránh bệnh dại, người dân cần chú ý báo ngay cho UBND cấp xã, cán bộ thú y, cán bộ y tế khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện trên. Ngoài ra, cần đăng ký nuôi chó, mèo với UBND cấp xã. Tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại hàng năm cho đàn chó, mèo nuôi. Không thả rông chó mèo. Chó, mèo phải được nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình. Khi dắt chó ra đường, nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm. Đến ngay, cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị dự phòng bệnh dại kịp thời khi bị chó, mèo cắn.
Vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo luôn có bán tại các địa chỉ như: các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, nhân viên thú y xã, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hoặc Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Bài, ảnh: Thạch Thảo