|
Bà Mai Thị Nhãn. Ảnh: T.Q |
Khoảng 8 giờ sáng, lư hương đặt cạnh cây khế sân nhà của bà Mai Thị Nhãn, ở ấp An Hòa, xã Long Thới (Chợ Lách) nghi ngút khói nhang. Một người phụ nữ (khi tiếp chuyện chị cho biết tên Hồng) tuổi ngoài 40 cầm 3 cây nhang, miệng lẩm bẩm, hai tay chắp xá và cắm nhang vào lư hương. Rồi chị Hồng tiến gần đến cây khế, tay chạm vào hai con mắt rồi đặt vào cây khế. Chị Hồng cho biết, đây là cách làm để gởi bệnh cườm ở con mắt vào cây khế. Sau vài lần gởi bệnh vào cây khế, chị Hồng lấy mấy nhánh khế đã được đặt sẵn trên cây khế đem về đắp lên người để trị các bệnh khác. Chị Hồng lý giải: Những ai tin tưởng đến cầu nguyện và đem lá khế về đắp bệnh sẽ giảm. Tôi bị bệnh nhiều lắm và đến, chỉ vài lần thấy khỏe hẳn lên.
Thấy chúng tôi có mặt cạnh cây khế, bà Mai Thị Nhãn bảo vào nhà uống trà. Bà Nhãn đang ở tuổi 76, người ốm nhưng trông rất khỏe khoắn. Vừa đặt ly nước trước mặt, bà tiếp chuyện như đã quen biết từ lâu. Bà nói: Sáng giờ có hai người đến gởi bệnh và xin lá khế đem về. Những hôm cao điểm có 30 người tìm đến, tập trung vào buổi sáng và phần lớn là người trong huyện Chợ Lách. Trong cuộc trò chuyện, bà Nhãn thường xuyên đề cập đến sự linh thiêng của cây khế và theo bà hầu hết những người sau khi đến đây bệnh giảm hẳn. Nhưng khi nhìn ra cây khế, bà tiếc rẻ: Cây khế trồng được hơn 20 năm, cành lá sum suê, vậy mà hơn 1 tháng trở lại đây, mọi người đến hái hết lá, chỉ còn thân cây trông rất trơ trọi. Nhưng cũng may, trời đổ vài cơn mưa, cây đâm ra một vài tược non. Lá trên cây khế bị hái trụi lũi, nhiều người mê tín nghĩ đến việc lấy lá khế từ nơi khác đến đặt lên cây khế nhà bà Nhãn rồi cầu nguyện và đem về nấu lấy nước tắm cũng linh thiêng không kém. Vì sao bác biết cây khế này linh thiêng - tôi hỏi. Bà Nhãn tiếp tục một lèo: Tôi ngủ thấy có người đến bảo không được bán cây khế, phải giữ lại, lấy lá giúp bà con chữa bệnh. Vợ chồng bà Nhãn đem chuyện này ra chợ xã Long Thới phổ biến; thông tin mê tín này nhanh chóng được loan đi, người trong xã, ngoài xã rồi ở thành phố Hồ Chí Minh tìm đến...
Ông Đặng Văn Chúc - Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Long Thới cho biết, khi nắm được thông tin cây khế nhà bà Nhãn trị được bá bệnh, UBND xã phân công đoàn thể và công an xã đến nắm vụ việc. Qua nắm tình hình thực tế, xã khẳng định sự việc hoàn toàn là mê tín. Lá khế trị bá bệnh là hoàn toàn không có cơ sở. Một vài trường hợp, trời nắng nóng oi bức, người ngứa ngáy đến hái về nấu nước tắm, hay người bệnh đang điều trị bằng thuốc tây, nghe tin đến trùng dịp thuốc phát huy tác dụng hết bệnh, từ đó tung tin để thổi phồng sự việc. Ông Chúc nói: Tôi bị khan tiếng đến hỏi bà Nhãn có chắc uống lá khế vào hết bệnh không và chỉ nhận nụ cười. Để đảm bảo trật tự, xã đề nghị gia đình bà Nhãn và những ai đã đến ngưng ngay việc tung tin cây khế trị bá bệnh. Hiện số lượng khách đến đã giảm và chỉ vào nhà cầu nguyện, xin lá khế khi không có mặt cán bộ xã.
Qua tìm hiểu của phóng viên, trước khi loan tin cây khế nhà bà Nhãn linh thiêng, đã có người tìm đến hỏi mua và bà Nhãn đồng ý bán giá 250.000 đồng. Cây khế hơn 20 năm tuổi, đường kính gốc cây ngoài 40cm bán giá này là quá “bèo”. Một người con của bà có chồng ở xa về chơi liền cản, không cho bán. Thế là nảy sinh câu chuyện nằm mơ thấy người mách bảo lá khế trị bá bệnh. Người mua khế đến bứng cây nghe thông tin này đã đồng ý nhận lại tiền đặt cọc và không mua cây khế. Còn việc những tài xế xe du lịch và hộ ven quốc lộ 57, gần đường vào nhà bà Nhãn tích cực loan tin, nhiều người khẳng định, đây là chiêu thức cũ được đem ra áp dụng để trục lợi. Cách đây không lâu, cũng trên địa bàn huyện Chợ Lách, xảy ra tin “vịt”: tượng phật nhúc nhích và các tài xế, người bán hàng ven đường vào cuộc tung tin. Khách nhiều nơi thuê xe du lịch đổ xô đến xem và các dịch vụ ăn theo đắt như tôm tươi.
Câu chuyện nhảm nhí về cây khế nhà bà Nhãn trị bá bệnh hiện đang còn âm ỉ, thiết nghĩ các ngành chức năng nên vào cuộc nhằm giải thích rõ ngọn nguồn để mọi người hiểu được sự việc này là nhảm nhí; không để xảy ra dòng người mê tín tìm đến ngày một đông, gây mất trật tự.
Cây khế dùng trong thuốc nam
Để làm thuốc, người ta chỉ dùng cây khế chua. Tất cả các bộ phận của cây khế, kể cả cây tầm gửi sống ký sinh trên đó, đều được dùng chữa bệnh. Vỏ rễ hoặc vỏ thân cây khế: Cạo hết lớp vỏ xanh và rêu mốc bên ngoài, rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng, phối hợp với vỏ quýt lâu năm sắc uống có thể chữa ho gà. Lá khế 20g, rửa sạch, nấu nước uống ngày hai lần, mỗi lần nửa bát con, giúp chữa ho suyễn ở trẻ em. Lá khế tươi 20g giã với lá chanh 10g, thêm nước, gạn uống, chữa cảm nắng. Để chữa ngộ độc nấm, rắn cắn, lấy lá khế, lá hoặc quả đậu ván đỏ mỗi thứ 20g, lá lốt 10g, giã nát, hòa với 200ml nước sôi để nguội, chắt lấy nước uống làm một lần. Có thể dùng lá khô (liều lượng bằng 1/2 hoặc 1/3 liều lá tươi) sao qua cho thơm, sắc uống, thêm đường cho thật ngọt. Nếu mới bị ngộ độc, chỉ uống 2-3 lần là khỏi.
Chữa ho khan, ho có đờm, kiết lỵ: Hoa khế 12g tẩm nước gừng, sao, sắc uống. Chữa tiểu tiện không thông: Lấy 7 quả khế, cắt mỗi quả lấy một miếng khoảng 1/3 phía gần cuống, đổ vào một bát nước, sắc còn nửa bát, uống lúc nóng; đồng thời lấy một quả khế và một củ tỏi giã nát, đắp vào rốn. Tầm gửi cây khế thái nhỏ, lấy 20g, sao vàng, sắc uống chữa sốt, sốt rét, ho gà.
DS. Đức Huy |