Hồng đang chế biến mứt chôm chôm.
Thuộc thế hệ 8X, sinh ra và lớn lên ở cồn Dơi thuộc ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, một trong những địa phương nằm ở cánh tây của huyện Châu Thành nổi tiếng với những vườn cây ăn trái đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…, Trần Thị Thu Hồng luôn ấp ủ một ước mơ: có thể chế biến được nhiều sản phẩm mới, ngon, lạ, bổ dưỡng từ những loại trái cây quê hương, đặc biệt là chôm chôm để giới thiệu rộng rãi đến bạn bè khắp nơi trên thế giới.
Từ đi du học để khởi nghiệp
Câu chuyện khởi nghiệp của Hồng khá thú vị. Trong lúc chờ phỏng vấn từ một trường học ở Canada, tình cờ đọc báo, xem đài, Hồng biết đến chương trình Đồng khởi khởi nghiệp của tỉnh. Cùng câu nói vô tình của một người bạn “đâu phải đi nước ngoài mới có thể lập nghiệp” đã khiến cô suy nghĩ lại. Hồng tự đặt ra câu hỏi “tại sao mình không làm giàu trên chính quê hương mình để vừa có thể phát triển kinh tế gia đình vừa tạo thêm nhiều việc làm, giải quyết được phần nào bài toán “được mùa rớt giá” cho người dân ở nông thôn?”. Suy nghĩ đó đã thôi thúc Hồng bắt tay thực hiện ý tưởng của mình.
Sản phẩm mứt chôm chôm đã được cô chọn làm đề tài trong khóa luận tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ chế biến thực phẩm. Sau khi tìm hiểu, biết được trái chôm chôm mang lại ngoài giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều vitamin C, giàu đạm, chất béo và các nguyên tố vi lượng như đồng, mangan, kali, canxi, sắt, photpho… còn được dùng để làm thuốc chữa một số bệnh. Tết Nguyên đán 2017, Hồng đã bàn với mẹ thu mua lại chôm chôm từ các nhà vườn ở địa phương để đem về nhà làm mứt. Kết quả mẻ mứt chôm chôm 6 tấn đầu tiên ra đời (từ 25 - 30 tấn chôm chôm tươi), sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình Hồng thu lãi 40 triệu đồng.
Vào những ngày thường, mứt chôm chôm của Hồng vẫn được sản xuất và được giới thiệu chào bán qua các kênh zalo, facebook, các đại lý nhận sỉ, khu du lịch với nhãn hiệu đã đăng ký “Cô Chín”. Mỗi ký mứt bán lẻ với giá 150 ngàn đồng, trung bình mỗi tháng đơn hàng từ 1 - 2 tấn. Sản phẩm mứt của Hồng được chế biến chủ yếu từ trái chôm chôm Java đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình chế biến, cô có sự điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của khách hàng, hiện tại sản phẩm có hai vị: chua ngọt và xí muội chua cay mặn. Đặc biệt là mứt của Hồng ăn luôn được cả hạt.
Cơ sở của Hồng đã tạo việc làm thêm cho 20 lao động, trong đó có 8 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Được biết, với mô hình mứt chôm chôm này, Hồng đã được Dự án AMD hỗ trợ trên 95 triệu đồng để đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng.
“Khoác chiếc áo mới” cho chôm chôm
Ngoài việc sản xuất mứt, Hồng không ngừng tìm tòi, học hỏi và đã chế biến thêm các sản phẩm khác như: chôm chôm sấy khô, hạt chôm chôm rang muối, nước ép chôm chôm, chôm chôm đóng hộp, kẹo chôm chôm, nước màu chôm chôm. Các sản phẩm này cùng với mứt chôm chôm đang trong giai đoạn hoàn thành thiết kế mẫu mã, đóng gói bao bì để chuẩn bị đưa ra thị trường.
Ước mơ của Hồng là đưa các sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài để bạn bè thế giới biết đến loại trái cây này. Chia sẻ trong niềm phấn khởi, Hồng cho biết: “Sắp tới, em cũng sẽ thử nghiệm việc ủ phân hữu cơ từ lá và vỏ trái chôm chôm với sự hỗ trợ từ phía chuyên gia Trường Đại học Khoa học tự nhiên (TP. Hồ Chí Minh) và Dự án AMD tỉnh. Nếu thành công, em nghĩ trái chôm chôm quê mình sẽ được “khoác một chiếc áo mới”.
Bài, ảnh: Hiền Nguyễn