Có phải việc bình xét chưa thật chặt chẽ?

28/10/2012 - 16:10
Căn nhà của bà Cúc đang hết vốn, còn dang dở.

Thực hiện Kế hoạch 1104 ngày 16-3-2012 của UBND tỉnh, về việc xây dựng 650 căn nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách đang gặp khó khăn về nhà ở nhân dịp 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2012), Sở Xây dựng là đơn vị thiết kế nhà ở, theo đó, có hai mẫu nhà được chọn: 36m2 và 40m2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) lựa chọn danh sách 650 hộ gia đình thật sự khó khăn về nhà ở để hỗ trợ cho đợt này.

Từng ngành, từng đơn vị được phân bổ chỉ tiêu vận động nguồn kinh phí để xây dựng và phải hoàn thành trước tháng 7. Qua khảo sát thực tế, có gần 100 căn nhà được xây dựng có diện tích, kinh phí lớn hơn so với qui định (cho phép gia đình góp thêm nguồn kinh phí nhưng không vượt quá 50% nguồn hỗ trợ, diện tích không vượt quá 60m2). Điều này đã tạo ra dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan điều tra, tìm nguyên nhân, tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm… 

Theo báo cáo số 127 ngày 20-9-2012 của Sở Xây dựng, có gần 100 căn nhà xây dựng vượt diện tích và kinh phí cho phép, trong đó, nhà có giá trị từ 76-99 triệu đồng là 14 căn, từ 100-149 triệu đồng là 56 căn, từ 150 triệu trở lên là 27 căn (có nhà trị giá 300 triệu đồng); diện tích xây dựng vượt từ 48 - 160m2, có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân từ việc bình xét, chọn đối tượng chưa thật sự chặt chẽ, thiếu khách quan, cảm tính. Cá biệt, có trường hợp hộ gia đình gây áp lực đối với chính quyền địa phương để được hưởng chế độ.

Trong số những căn xây dựng vượt định mức cho phép, có 12 căn có diện tích và giá trị vượt quá lớn (diện tích từ 78 - 160m2, giá trị từ 160 - 300 triệu đồng/căn). Trao đổi với ông Đoàn Công Dự - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Giồng Trôm (huyện có 21 căn được xây dựng thì có 20 căn xây dựng vượt mức qui định), được biết: Việc này, lỗi một phần do địa phương bình xét đối tượng thiếu minh bạch, chưa thật sự chặt chẽ. Một phần khác do căn nhà xây dựng cho nhiều nhân khẩu sống nên họ góp vốn vào rất lớn, tận dụng vật liệu cũ, đa phần là vốn vay mượn. Cụ thể, nhà của hộ bà Châu Thị Bê (ở ấp An Thuận - xã Tân Thanh - vợ liệt sĩ), có diện tích xây dựng 110m2, tổng kinh phí 260 triệu đồng (san lấp nền gần 100 triệu đồng). Hiện bà đang vay mượn của họ hàng gần 100 triệu đồng. Thế nhưng căn nhà chưa thật hoàn chỉnh, tường chưa tô, cửa buồng, cửa sổ chưa có, nền chưa lát (theo qui định là phải có).

Tương tự, góp vốn vào, xây dựng nhà với diện tích quá lớn, đến giữa chừng thì hết vốn xây dựng - hộ bà Nguyễn Thị Cúc (xã Khánh Thạnh Tân - Mỏ Cày Bắc), có diện tích nhà 120m2, đã tốn gần 100 triệu đồng nhưng nhà hiện chưa tô, mái chỉ lợp 50%, cửa sổ, nền chưa có. Bà Trần Thị Rết (ấp 7 - xã Châu Bình - Giồng Trôm - vợ liệt sĩ), từng đấu tranh, gây áp lực với chính quyền địa phương để được hưởng chế độ. Xây dựng căn nhà trị giá 220 triệu đồng - căn nhà ba gian, nền lót gạch bóng kính, vách bên trong dán gạch cao 1,2m, cửa đi, cửa sổ bằng gỗ. Qua điều tra thực tế, hộ bà Rết có gần 5.000m2 đất vườn dừa, hiện bà đang sống với vợ chồng đứa con trai út. Căn nhà cũ vẫn sử dụng được.

Năm 2006, hộ bà Trần Thị Đông (ấp Bình Thạnh - xã Thạnh Trị - Bình Đại), đã xây dựng một căn nhà (đang còn sử dụng tốt), nhưng chính quyền địa phương vẫn bình xét để xây dựng thêm một căn nhà liền kề, có diện tích 48,4m2, kinh phí xây dựng 125 triệu đồng. Căn nhà trị giá 300 triệu đồng của hộ ông Trần Văn Rở (ấp Tân Trung - xã Hưng Khánh Trung B - Chợ Lách - thương binh 4/4), có diện tích 156m2, cửa sổ, cửa đi bằng gỗ, nền lót gạch bóng kính, nhà bếp khá khang trang. Ông Rỡ giải thích là vốn do anh em bạn bè cho thêm, gia đình góp vào. Ông cho biết thêm, thu nhập hàng tháng của gia đình ngoài 4.000m2 đất vườn trồng cây ăn trái, tiền lương hưu và các chế độ chính sách khác, tổng cộng gần 10 triệu đồng. Nội dung trong lá đơn ông gửi cho xã có đoạn “hiện gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng không có kinh phí xây mới”. Theo tấm hình chụp lưu tại Phòng LĐTB&XH huyện Chợ Lách đó là một căn nhà tường.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN