Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 với chủ đề “Môi trường nông thôn - Thực trạng và giải pháp”.
Nhờ thực hiện tốt thu gom, xử lý hiệu quả rác thải nên các tuyến đường trên địa bàn huyện Hải Hậu (Nam Định) luôn sạch đẹp. Ảnh minh họa: Vũ Văn Đạt/TTXVN
Báo cáo gồm 6 Chương (Chương I: Tổng quan về kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; Chương II: Các nguồn gây ô nhiễm môi trường nông thôn; Chương III: Hiện trạng môi trường nông thôn; Chương IV: Tác động của ô nhiễm môi trường nông thôn; Chương V: Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn; Chương VI: Những tồn tại, hạn chế và giải pháp tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nông thôn) và 109 biểu đồ, 19 bảng kèm theo.
Báo cáo phản ánh thực trạng chất lượng môi trường ở nông thôn, nhận diện các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường bức xúc, nổi cộm ở khu vực nông thôn trong thời gian qua cũng như nhận diện các sức ép, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng môi trường ở nông thôn trong thời gian tới.
Theo Niên giám thống kê năm 2023, hiện có khoảng 62,1 triệu người dân sinh sống ở vùng nông thôn, chiếm 61,9% dân số toàn quốc. Ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như hoạt động dân sinh, sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, hoạt động làng nghề,…
Mức phát sinh chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn cả nước năm 2023 là khoảng 29.734 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt trung bình khoảng 77,69%; khoảng 22% lượng chất thải rắn sinh hoạt còn lại bị xả thải trực tiếp ra môi trường. Một số khu vực có tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý còn thấp và cách xa mục tiêu đặt ra tại tiêu chí số 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 như Trung du và miền núi phía Bắc (dưới 50%), Tây Nguyên (dưới 30%).
Năm 2023, tổng lượng phụ phẩm phát sinh từ hoạt động trồng trọt là 94,42 triệu tấn; cả nước phát sinh khoảng 68,92 triệu tấn chất thải rắn và khoảng trên 260,48 triệu lít chất thải lỏng; 72 nghìn tấn chất thải nhựa từ vỏ bao bì thức ăn chăn nuôi và có xu hướng tăng trong những năm tới. Năm 2023 mới chỉ có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; 20,9% làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp. Phần lớn nước thải, chất thải rắn từ làng nghề bị thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, gây tác động xấu tới cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường.
Báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất, giải pháp như đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn gắn với việc triển khai tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn; huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn; tiếp tục xây dựng, thí điểm và nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường… Trong đó triển khai các giải pháp ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tăng cường quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn; quản lý chất thải nông nghiệp và bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các làng nghề…
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các cơ quan quản lý ở Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tham khảo trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn.
Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình D-P-S-I-R (Driving Forces/Động lực - Pressure/Áp lực - State/Hiện trạng - Impact/Tác động - Response/Đáp ứng). Trong đó, động lực là các điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội như sự gia tăng dân số, phát triển nông thôn và các ngành kinh tế nông thôn. Các vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng đến môi trường nông thôn; tạo ra áp lực rất lớn làm thay đổi hiện trạng môi trường. Hiện trạng môi trường nông thôn được đánh giá thông qua các thông số chất lượng môi trường không khí, nước, đất tại khu vực nông thôn. Ô nhiễm môi trường nông thôn gây các tác động đến sức khoẻ người dân, kinh tế - xã. Đáp ứng là các giải pháp được đề ra và thực hiện nhằm kiểm soát hiệu quả, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn bao gồm các chính sách, pháp luật, thể chế, các công cụ quản lý.
Tại Việt Nam, khu vực nông thôn là nơi sinh sống của hơn 60% dân số cả nước, đóng vai trò chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia. Đời sống văn hóa tinh thần và kinh tế của người dân nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực; dân trí được nâng cao. Đặc biệt, sau hơn 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không chỉ hạ tầng giao thông, kinh tế mà cả hạ tầng văn hóa, xã hội đã được cải thiện, ý thức và nhận thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội cũng được nâng cao. Bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ là những nguy cơ không nhỏ về ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.