Người nhạc sĩ sáng tác bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi”

08/01/2025 - 05:13

BDK - Thuở bé, dù sớm rời quê hương để đi học, nhưng nhạc sĩ Võ Đăng Tín vẫn luôn giữ trong tim đạo lý uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái. Từ những sáng tác để đời thời tuổi trẻ, cho đến khi tuổi xế chiều, người nhạc sĩ quê Bến Tre vẫn dành trọn tấm lòng cho quê hương.

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín trao tặng bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi” cho Bảo tàng Bến Tre (tháng 10-2022). Ảnh: Ánh  Nguyệt

Giải thưởng nhà nước

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín là tác giả bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi”. Tác phẩm này đã đạt giải thưởng nhà nước về văn học, nghệ thuật do Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng vào tháng 10-2022. Đây là giải thưởng danh giá cấp nhà nước dành cho những tác phẩm có giá trị cao về khoa học, văn học, nghệ thuật. Nội dung tư tưởng có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội. Đặc biệt, riêng lĩnh vực nhạc giao hưởng thì trước đến nay càng hiếm có người được nhận giải thưởng này.

Bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi” tôi sáng tác năm 1982, được biểu diễn nhiều lần ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Serbia... Đến 40 năm sau, bản giao hưởng này mới được người Việt Nam biết tới. Bởi vì, thể loại nhạc giao hưởng không phổ biến ở nước ta. Đây là tác phẩm của cả một cuộc đời người nghệ sĩ, là đứa con tinh thần của mình. Tôi không dám tự hào nói về giải thưởng, chỉ thấy rằng mình đã phấn đấu cả đời cộng thêm phần mình may mắn nữa”, nhạc sĩ Võ Đăng Tín thổ lộ.

Bản Sonata giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi” dài khoảng 9 - 10 phút. Hiệu ứng của một bản giao hưởng đem tới cảm xúc mỗi người mỗi khác nhau tùy theo kiến thức, lứa tuổi của mỗi người. Với bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi”, người nghe như được thấy lại hình ảnh quê hương Bến Tre năm 1960 dưới đuốc lá dừa, các chị, các mẹ, các chiến sĩ và hình ảnh “Đội quân tóc dài”... tiến công địch bằng ba mũi giáp công. Khi thưởng thức bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi”, người nghe như được nhìn thấy những hình ảnh hào hùng của dân tộc trong phong trào Đồng Khởi năm 1960. Đồng thời, cảm động trước những khoảng lặng trong bản nhạc để đồng cảm cùng tác giả nhớ về một Bến Tre đã góp phần đập tan “quốc sách” ấp chiến lược của địch, cùng với toàn miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín từng dạy sáng tác ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, giữ chức Giám đốc Nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ - kịch TP. Hồ Chí Minh. Ông còn là Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh cho đến khi về hưu. “Âm nhạc Võ Đăng Tín trữ tình lắng đọng sâu sắc và thành công từ thể loại ca khúc, hợp xướng, đến khí nhạc. Những ca khúc như: Khúc hát tôi yêu, khúc hát Tân Bình, Hoa dừa, Tiếng hát xứ dừa, Mênh mông Sài Gòn... rất chân thành và dịu dàng trầm lắng như con người tác giả”, Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Thế Bảo viết về Võ Đăng Tín trong lời giới thiệu “Tuyển tập ca khúc - hợp xướng Gởi tình theo sóng nước Hàm Luông” của nhạc sĩ Võ Đăng Tín, xuất bản năm 2020.

Hồi ức về “Đồng khởi”

“Khi dàn nhạc Nhật Bản, Mỹ, châu Âu họ đánh bản giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi”, tôi luôn nói họ nên đọc câu tôi viết tặng trong bài nhạc “Kính tặng cha tôi và các đồng bào, đồng chí của ông trong cuộc Đồng khởi năm 1960 tại Bến Tre”. Lúc đó, cha tôi còn sống. Ông luôn nói tôi “Con bỏ ngành văn đi học ngành khác”. Cha tôi khó lắm. Ông muốn tôi theo ngành khác. Ông cụ cũng như bao người lớn tuổi thời đó, cho âm nhạc là ngành “vớ vẩn””, nhạc sĩ Võ Đăng Tín kể.

Được biết, nhạc sĩ Võ Đăng Tín đã từ chối cơ hội đi du học Đức, ngành Triết học để học âm nhạc. Điều này làm phật lòng cha của ông, tức cụ Võ Văn Phẩm.

“Những năm làm Giám đốc Nhà hát giao hưởng - nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Mình, dù rất bận rộn, Võ Đăng Tín vẫn viết được vũ kịch “Chuyện tình non sông” và giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi”. Giao hưởng thơ khắc họa những hồi ức của chú bé liên lạc Đồng Khởi Bến Tre năm 1960. Ở đây tác giả không miêu tả nhiều về sát phạt chinh chiến mà là những cảm xúc dâng trào. Chính vì vậy, giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi” khi dàn nhạc giao hưởng ở Mỹ biểu diễn, nhạc công, nhạc trưởng cũng như người nghe ở Mỹ, ở nước ngoài và Việt Nam dễ dàng đồng cảm với tác giả Võ Đăng Tín”, Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Thế Bảo từng nói.

“Tuyển tập ca khúc - hợp xướng Gởi tình theo sóng nước Hàm Luông” của nhạc sĩ Võ Đăng Tín có 38 bản nhạc, trong đó, 33 ca khúc và 5 bản hợp xướng. Ông phát hành 1 ngàn cuốn để tặng cho quê hương Bến Tre và những ai yêu thích. Chia sẻ tình cảm đối với quê hương, vào tháng 7-2023, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, nhạc sĩ Võ Đăng Tín - nguyên Giám đốc Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh đã đến trao xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật tại tỉnh. Số tiền ông đóng góp được trích từ một phần Giải thưởng nhà nước. Dù lúc này, ông chưa nhận được tiền thưởng. Cùng ngày, trong chuyến về quê Bến Tre, nhạc sĩ Võ Đăng Tín mang theo Giải thưởng nhà nước về văn học, nghệ thuật cho Bảo tàng Bến Tre lưu giữ.

Năm tháng thuở thiếu thời rời quê hương đi học, nhưng những làn điệu dân ca, hò vè và thơ Lục Vân Tiên của quê hương Ba Tri đã ngấm vào máu thịt của Võ Đăng Tín. Khi lớn lên và thành danh, đến lúc tuổi xế chiều, nhạc sĩ Võ Đăng Tín vẫn dành trọn một lòng cho quê hương. Trên chặng đường học tập và cống hiến suốt mấy chục năm qua, tấm lòng của nhạc sĩ Võ Đăng Tín thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái. Đồng thời, khẳng định tinh thần bản lĩnh, tự cường của người Bến Tre.

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín sinh ngày 22-10-1950, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại ấp Giồng Chuối, xã An Đức, huyện Ba Tri. Ông là con của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Phẩm. Mới 10 tuổi, Võ Đăng Tín đã là liên lạc của phong trào Đồng khởi Bến Tre. Cuối năm 1963, Võ Đăng Tín được cử đi học ở trường miền Nam tại Hà Nội; năm 1972, ông học sáng tác với thầy Thế Bảo, Trường Âm nhạc Việt Nam - Hà Nội. Sau năm 1975, Võ Đăng Tín học với Giáo sư Ca Lê Thuần tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.

Dịp lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2025), cùng với nhiều hoạt động lớn, sắp tới dự kiến sẽ có trưng bày sách về Đồng khởi, trong đó có Giao hưởng thơ “Ký ức Đồng Khởi” của nhạc sĩ Võ Đăng Tín.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN