Ông Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị mức án từ 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù

08/01/2025 - 20:36

Đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình đề nghị tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, và từ 10 đến 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị mức án từ 13 tới 15,5 năm tù.

Chiều 8-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" đã kết thúc phần xét hỏi với: Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963, trước khi bị bắt là đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội); Lê Thanh Vân (sinh năm 1964, trước khi bị bắt là đại biểu Quốc hội); Nguyễn Văn Vương (sinh năm 1976, nguyên chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước), Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, thường gọi là Cường "quắt", xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và Vũ Đăng Phương (sinh năm 1982, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Trước khi chuyển sang tranh tụng, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án.

Trong bản luận tội, cơ quan tố tụng đề nghị Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thái Bình xem xét tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, và từ 10 đến 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt bị đề nghị là từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Lê Thanh Vân bị đề nghị từ 7 - 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Cùng tội danh với bị cáo Vân, bị cáo Nguyễn Văn Vương bị đề nghị từ 13 - 14 năm tù.

Bị cáo Phạm Minh Cường (Cường "quắt") bị đề nghị từ 7 - 8 năm tù và Vũ Đăng Phương bị đề nghị từ 6 - 7 năm tù, cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình, trong khoảng thời gian năm 2020-2023, các bị cáo trên đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.

“Đại biểu Quốc hội đáng lẽ phải gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật, có lối sống lành mạnh nhưng 2 ông Vân và Nhưỡng đã không đại diện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm, khách quan”, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình nói và chỉ rõ, dù tại tòa, bị cáo Nhưỡng và Vân không thừa nhận vòi vĩnh đòi hỏi tiền, lợi ích vật chất nhưng qua lời khai của các bị cáo khác, tài liệu, chứng cứ đã thu thập, trích xuất trong quá trình điều tra, có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của các bị cáo.

Số tiền các bị cáo hưởng lợi trong các vụ việc đều trên 1 tỷ đồng. Các bị cáo có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật nhưng vì lợi ích vật chất đã thực hiện hành vi phạm tội để trục lợi nên cần xử lý nghiêm.

Theo Minh Khang (Báo SGGP)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN