BDK - Từ ngày 8 đến 12-1-2025, lần đầu tiên diễn ra Lễ hội Hoa - kiểng huyện Chợ Lách. Lễ hội diễn ra ngay trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cũng chính là thời điểm vụ hoa kiểng Tết ở Chợ Lách rực rỡ nhất, nhộn nhịp chào xuân.
Du khách tham quan khu vực hoa giấy Phú Sơn, Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách.
Hôm nay 8-1-2025, lễ khai mạc Lễ hội Hoa - kiểng Chợ Lách với chủ đề “Sắc màu Chợ Lách” dự kiến diễn ra tại sân vận động Phú Sơn, xã Phú Sơn (thuộc Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách), gồm các hoạt động như: Diễu hành xe cổ thiết kế biểu tượng thành tựu kinh tế nông nghiệp và thương hiệu đặc trưng địa phương. Hội thi Bonsai - Mai vàng. Giao lưu với các nghệ nhân tạo tác bonsai uy tín, trình diễn tạo tác bonsai. Hoạt động chọi gà nghệ thuật. Hội thi sáng tạo nội dung và tìm kiếm “tài tử” livestream ngành hàng hoa, kiểng huyện Chợ Lách. Cuộc thi ảnh đẹp Chợ Lách…
Thông qua lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá “vương quốc” cây giống, hoa kiểng Chợ Lách đến du khách trong và ngoài nước, góp phần xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng và lan tỏa giá trị của thương hiệu hoa, kiểng Chợ Lách.
Những sự kiện đáng chú ý
Lễ hội Hoa - kiểng Chợ Lách, với chủ đề “Sắc màu Chợ Lách” sẽ diễn ra ở các điểm chính trong khu vực Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, tập trung chính tại sân vận động Phú Sơn, điểm lò gạch K26. Các hoạt động nổi bật như: diễu hành xe cổ (từ quảng trường trung tâm hành chính huyện Chợ Lách đến sân vận động Phú Sơn), quảng diễn ẩm thực địa phương, trưng bày thành tựu nông nghiệp, tôn vinh, khen thưởng các nghệ nhân, nhà vườn doanh nghiệp - nông dân tiêu biểu.
Xuyên suốt lễ hội diễn ra các diễn đàn chia sẻ thông tin kỹ thuật về chuyên ngành trồng trọt, nhất là đối với sản xuất hoa kiểng, cây giống, cây ăn trái, chăn nuôi. Cùng với các hội thi, tranh tài, giao lưu, trình diễn giữa các nghệ nhân tạo tác bonsai địa phương, trình diễn tạo hình linh vật từ cây xanh, giao lưu giữa các “kê sư” chuyên chăn nuôi gà chọi - một nghề đặc thù truyền thống có tiếng ở Chợ Lách. Qua đó, góp phần tôn vinh người nông dân, nghệ nhân của địa phương.
Trong chuỗi sự kiện, có các hoạt động thúc đẩy kinh tế nông thôn. Đáng chú ý, phiên livestream bán hoa kiểng trực tuyến, phiên mega livestream bán sản phẩm sầu riêng cấp đông trực tiếp tại nhà máy Chánh Thu (ngày 8-1-2025), không gian trưng bày thành tựu kinh tế nông nghiệp, sản phẩm khởi nghiệp, OCOP tiêu biểu của địa phương và ngành huyện Chợ Lách, ra mắt và chào bán 3 đường tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề sản xuất hoa kiểng.
Cùng với đó, các hội thi, các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra liên tục suốt lễ hội như: Hội thi Bonsai - Mai vàng, hoạt động chọi gà nghệ thuật, hội thi sáng tạo nội dung và tìm kiếm “tài tử” livestream ngành hàng hoa kiểng huyện Chợ Lách, cuộc thi ảnh đẹp Chợ Lách, trưng bày ảnh đẹp, xếp đặt và trang trí các cụm tiểu cảnh, đại cảnh theo chủ đề, chương trình hội ngộ tài tử miệt vườn Chợ Lách và hội thi chế biến bánh ngọt và pha chế thức uống từ nguyên liệu nông sản địa phương, hoạt động trò chơi dân gian…
Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh, chương trình lễ hội được thiết kế theo hướng tạo dựng nên một không gian văn hóa mang tính đặc hữu của địa phương. Lễ hội mang đến thông điệp liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của huyện. Trong đó, tôn vinh các nhà vườn, nghệ nhân làm hoa kiểng của địa phương.
Ngày hội của người làm hoa kiểng
Đánh giá về việc tổ chức Lễ hội Hoa - kiểng năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: Đây là hoạt động ý nghĩa để quảng bá vùng đất và con người Bến Tre. Đặc biệt, quảng bá địa phương Chợ Lách, là vùng đất có thế mạnh về cây ăn trái, hoa kiểng, cây giống. Hoạt động lễ hội tạo điểm nhấn, sự chú ý cho việc xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, giúp tác động đến xây dựng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới. Qua đó, từng bước xây dựng huyện Chợ Lách trở thành trung tâm cây giống, hoa kiểng quy mô khu vực và quốc gia.
Qua lễ hội giúp ích cho việc mời gọi đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương. Sự kiện này còn là cơ hội để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với khai thác tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của địa phương Chợ Lách nói riêng và các sản phẩm thế mạnh của du lịch Bến Tre.
Lễ hội góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất cây giống hoa kiểng, kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, áp dụng từng bước kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.
Sáng 8-1-2025, tại Chợ Lách sẽ bắt đầu các hoạt động lễ hội, sẵn sàng cho lễ khai mạc sẽ chính thức diễn ra vào chiều tối cùng ngày. Không khí lễ hội vui tươi cộng hưởng cùng sự tất bật của chợ hoa vào mùa trở thành nhịp điệu rộn ràng, báo hiệu mùa xuân mới đang về trên “vương quốc hoa kiểng”.
Ngày 7-1-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội Hoa - kiểng huyện Chợ Lách năm 2025. Cùng đi có đại diện các sở, ngành tỉnh.
Đoàn đến kiểm tra các điểm tổ chức: sân vận động Phú Sơn, nơi diễn ra lễ khai mạc và các hoạt động chính lễ hội, khu vực lò gạch K26, xã Phú Sơn (diễn ra không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật), tuyến đường hoa kiểng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, các công trình cổng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, các công trình tiểu cảnh, đại cảnh phục vụ lễ hội... Đoàn cũng kiểm tra công tác chuẩn bị khánh thành các tuyến huyện lộ 34 và huyện lộ 37, chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập tỉnh, Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi. Theo đó, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn thiện, sẵn sàng cho lễ hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đề nghị, huyện Chợ Lách chuẩn bị các hoạt động lễ hội chu đáo, khẩn trương chỉnh trang, hoàn thiện các công trình, sẵn sàng để quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người, các tiềm năng, thế mạnh Chợ Lách nói riêng, tỉnh nói chung. Chú ý tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chăm chút cho tuyến đường hoa, phát huy hình ảnh, hoạt động văn hóa truyền thống địa phương trong những ngày diễn ra lễ hội.