![Cuộc sống người dân Bến Tre tại Bình Phước, Đắk Lắk Đoàn công tác tỉnh Bến Tre trao đổi thông tin cùng bà Kiều Kim Hồng (bìa trái).](https://baodongkhoi.vn/image/fckeditor/upload/2024/20240124/images/dan-ben-tre.jpg)
Đoàn công tác tỉnh Bến Tre trao đổi thông tin cùng bà Kiều Kim Hồng (bìa trái).
Vượt khó vươn lên
Hiện trên địa bàn xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, có tổng số 524 hộ dân, với 1.747 nhân khẩu là người Bến Tre di dân đến sinh sống và làm việc. Trong đó, huyện Ba Tri có 17 hộ, 49 nhân khẩu; huyện Giồng Trôm và Chợ Lách có 227 hộ, 809 nhâu khẩu; huyện Mỏ Cày Nam có 9 hộ, 23 nhân khẩu và huyện Thạnh Phú có 271 hộ, 866 nhân khẩu.
Tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, có 986 hộ dân, 2.859 nhân khẩu là người dân Bến Tre di dân đến sinh sống và làm việc. Trong đó, người dân của TP. Bến Tre là 36 hộ, với 92 nhân khẩu; huyện Ba Tri là 145 hộ, 435 nhân khẩu; huyện Châu Thành 229 hộ, 665 nhân khẩu; huyện Bình Đại 171 hộ, 510 nhân khẩu; huyện Giồng Trôm 39 hộ, 110 nhân khẩu; huyện Mỏ Cày Bắc 85 hộ, 247 nhân khẩu; huyện Mỏ Cày Nam là 251 hộ, 710 nhân khẩu; huyện Thạnh Phú 39 hộ, 90 nhân khẩu.
Bà Kiều Kim Hồng, 61 tuổi, nguyên quán xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), đang sinh sống và làm việc tại thôn Án, xã Ia Lốp. Bà Hồng trải lòng trong niềm vui gặp được đồng hương Bến Tre, rồi tâm sự: “Tôi di dân đến nay hơn 20 năm, từng khó khăn trong giai đoạn đầu. Hiện tại, tôi trồng được 25 cây dừa (giống ở Bến Tre) đang cho thu hoạch, có thu nhập đủ chăm lo ổn định cho cuộc sống gia đình. Hiện nay trên 2ha đất của gia đình được cấp, tôi đều trồng dừa (đã xuống giống 7 tháng). Tôi kỳ vọng trồng dừa Bến Tre sẽ thành công trên vùng đất này”.
Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng cho biết: Người dân Bến Tre di dân đến đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với các loại cây như: bắp, mì, đậu, mía đường, thuốc lá và cây ăn quả; chăn nuôi bò, heo, gia cầm, trâu. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai thực hiện đồng bộ, đúng đối tượng các chế độ chính sách an sinh xã hội cho nhân dân theo quy định. Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ triển khai thực hiện các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia như: nông cụ sản xuất, bồn nước, sửa chữa và xây mới nhà ở cho hộ nghèo (xã Ia Rvê 141 hộ và Ia Lốp 140 hộ), tiền điện thắp sáng cho hộ nghèo, thực hiện các chương trình sinh kế...
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre tiếp tục thường xuyên quan tâm và phối hợp với cấp ủy, chính quyền của Đắk Lắk nói chung và huyện Ea Súp nói riêng để chăm lo đời sống cho người dân quê Bến Tre đang sinh sống và làm việc trên địa bàn 2 xã biên giới của huyện Ea Súp. Trong đó, cần có chính sách giúp đỡ và hỗ trợ để 2 xã biên giới Ia Rvê và Ia Lốp từng bước được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, người dân thuận lợi trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống.
Ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới
Hộ ông Trịnh Văn Cao (74 tuổi) quê gốc Cà Mau và bà Hồ Thị Em (71 tuổi) người dân xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), đến lập nghiệp tại thôn I, xã Ia Rvê hơn 20 năm. Ông bà có 5 người con (3 gái, 2 trai). Tất cả đều trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Hiện tại, bà có 3 căn nhà mặt tiền ở TP. Buôn Mê Thuột cho 3 người con sinh sống và làm ăn tại đó; 2 căn nhà tại quê gốc xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam.
![Cuộc sống người dân Bến Tre tại Bình Phước, Đắk Lắk Người dân Bến Tre di dân đến tỉnh Đắk Lắk chăm lo phát triển kinh tế gia đình.](https://baodongkhoi.vn/image/fckeditor/upload/2024/20240124/images/dan-ben-tre1.jpg)
Người dân Bến Tre di dân đến tỉnh Đắk Lắk chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Tại thôn I, xã Ia Rvê, vợ chồng ông Trịnh Văn Cao xây dựng nhà nghỉ Hoàng Long cũng như quán ăn, cà phê để con cháu quản lý; mua 3 chiếc xe ô tô 7 chỗ và 1 chiếc ô tô 16 chỗ dành cho 2 người con trai sống chung chạy dịch vụ. Ông bà an nhiên tuổi già sống bên cạnh con cháu, phụ giúp bằng sức khỏe của bản thân. Trong không gian nhà, ông Cao tận dụng nguồn gỗ quý thu mua để xây dựng ngôi nhà bằng gỗ khang trang, nuôi cá, gia cầm (già, vịt) xung quanh nhà. “Tôi không có làm rẫy. Tôi thấy mấy ông làm gỗ và bắt chước làm theo. Rồi con cái tập trung mua bán đã giúp cuộc sống gia đình ổn định; con cái trưởng thành, tập trung phát triển kinh tế”, bà Em tâm sự.
Bà Phạm Ngọc Yến, 73 tuổi, nguyên quán huyện Chợ Lách (Bến Tre), đang sinh sống và làm việc tại ấp Tân Lập, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước tâm sự: “Năm 2005, tôi di dân đến Nông trường 425 lập nghiệp. Lúc đầu, kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng bằng sự cố gắng, chịu khó và quyết tâm của gia đình cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và đoàn thể quê hương Đồng Khởi cũng như địa phương đang ở. Gia đình vận chuyển cây trồng, hoa kiểng ở huyện Chợ Lách lên Hớn Quản trồng và chăm sóc trên diện tích 2ha đất được cấp. Cuộc sống hiện tại của gia đình rất ổn định.
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước Lê Xuân Thắng chia sẻ: “Bà con Bến Tre di dân đến sinh sống và làm việc tại Nông trường 425 đã được Đảng ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương quy hoạch rất bài bản, với hiệu quả thiết thực. Đây là điểm sáng về tinh thần đoàn kết cũng như chia sẻ nghĩa tình trong cộng động nhân dân Bến Tre di dân đến sinh sống và làm việc tại xã Tân Hiệp. Hiện tại, người dân đang sinh sống và làm việc ở địa phương theo diện di dân đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
“Bà con Bến Tre tại Bình Phước có 100% hộ đều vươn lên khá, giàu và hơn 20% hộ người Bến Tre di dân lên Đắk Lắk đã vươn lên khá giàu, vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống. Qua đợt công tác này, đoàn công tác sẽ có báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cuộc sống của người dân Bến Tre di dân đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk. Từ đó, đề xuất những chủ trương, chính sách phối hợp chặt chẽ cùng địa phương giúp cho bà con phát triển tốt kinh tế, ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới”.
(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)
|
Bài, ảnh: Lê Đệ