Gia công hàng thủ công mỹ nghệ bằng lục bình

Tạo thu nhập cho phụ nữ nông thôn

12/02/2025 - 05:25

BDK - Với phụ nữ (PN) nông thôn, nhận gia công hàng thủ công mỹ nghệ bằng lục bình là công việc góp phần tăng thêm nguồn thu nhập gia đình trong lúc rảnh rỗi, đặc biệt là đối với PN cao tuổi.

Bà Huỳnh Thị Tám (bìa trái) và bà Đinh Thị Bé đan gia công giỏ bằng sợi lục bình.

Liên kết cộng đồng

Gần 5 năm, bà Nguyễn Thị Lùng (tên thường gọi Tám Lùng), 70 tuổi, ngụ tại Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 14, ấp Sùng Tân, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, nhận hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu lục bình về để bản thân và PN địa phương gia công, góp phần tăng thêm thu nhập trong khoảng thời gian nhàn rỗi. Trung bình có thêm thu nhập khoảng 50 ngàn đồng/ngày/người. Nhà ở trong đồng, bà Tám Lùng được đứa cháu ruột cho mượn mặt bằng cặp huyện lộ 39 làm điểm tập kết nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra giao cho công ty hàng thủ công mỹ nghệ lục bình ở xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam).

Khoảng 20 ngày, công ty sẽ giao từ 100 - 300 bộ khung sắt cho bà Tám Lùng về làm cũng như phân chia lại cho chị em gia công. Sợi đan lục bình, bà tự xuất chi phí ra mua (giá từ 20 - 24 ngàn đồng/kg). Giá gia công sản phẩm trung bình hơn 100 ngàn đồng/bộ (3 cái).

Bà Huỳnh Thị Tám, 81 tuổi, ngụ tại Tổ NDTQ số 7, ấp Giồng Nâu, xã Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc) cho biết: “Tuổi cao, sức yếu nên không làm được việc nặng. Rảnh thì đan gia công hàng mỹ nghệ bằng sợi lục bình do Tám Lùng giao, vừa làm kết hợp xem tivi giải trí, góp phần tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Từ 2 - 3 tháng, tôi nhận được từ 1 - 2 triệu đồng tiền gia công”.

“Chồng mất hơn 30 năm, tôi sống một mình, trong căn nhà đơn sơ được cất tạm trên đất của đứa em họ. Tôi có tiền sử bệnh đau khớp, nhức mỏi và thoái hóa cột sống cổ... nhưng vẫn đảm nhiệm được công việc gia công đan giỏ bằng sợi lục bình vì phù hợp với sức khỏe và có thu nhập”, bà Đinh Thị Bé, 60 tuổi, Tổ NDTQ số 7, ấp Giồng Nâu tâm sự.

Theo bà Tám Lùng, lúc đầu chỉ có từ 7-8 PN địa phương đến học nghề và nhận hàng về đan gia công, nay có trên 25 PN tham gia. Kỹ thuật của chị em nhận gia công đã được cải tiến so với lúc trước, góp phần nhẹ công sửa chữa và tăng sản lượng hoàn chỉnh. Sau khi nhận hàng, công ty sẽ kiểm tra về kỹ thuật và PN nhận gia công (đầu mối là bà Tám Lùng) sẽ cải thiện khi phát hiện sai sót. Khi thay đổi mẫu mã, công ty sẽ chụp hình sản phẩm mẫu và gửi bà Tám Lùng; rồi tiến hành giao nguyên liệu xuống gia công nếu bà đồng ý.

Tạo thu nhập ổn định

Năm 2017, Quỹ Đồng tài trợ (CFAF) tài trợ cho bà Tô Thị Rí (tên thường gọi Bảy Rí, 56 tuổi, ngụ tại Tổ NDTQ số 5, ấp Tân Phong, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam) số tiền 54,3 triệu đồng để triển khai thực hiện tiểu dự án “Mô hình đan gia công ghế nhựa giải quyết việc làm cho lao động nghèo, lao động khó khăn trong điều kiện biến đổi khí hậu”. Khi có nguồn vốn, bà Bảy Rí xây dựng mái hiên trước nhà (hơn 50m2) bằng tole để phục vụ cho công việc đan ghế nhựa và nhận gia công hàng thủ công mỹ nghệ bằng sợi lục bình. Khi ấy, bà đã giao kết cùng cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ sợi lục bình tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long để nhận hàng về cho PN địa phương gia công.

Đầu năm 2024, Tổ hợp tác đan lục bình ấp Tân Phong được thành lập, với gần 40 tổ viên là PN trong và ngoài địa phương. Bà Bảy Rí đảm trách vai trò Tổ trưởng. Trung bình mỗi tuần, cơ sở giao từ 700 đến hơn 1 ngàn khung cây cho tổ hợp tác. Mỗi sản phẩm gia công hoàn chỉnh, cơ sở trả huê hồng cho bà Bảy Rí là 500 đồng và người nhận gia công từ 3 - 5 ngàn đồng/miếng, mỗi khung cây gia công có diện tích từ 0,12 - 0,2m2. Cơ sở giao khoán số lượng sợi lục bình tương thích theo lượng khung gỗ gia công.

Bà Tô Thị Cúc (Mười Cúc, 55 tuổi, Tổ NDTQ số 6, ấp Tân Phong) cho biết, hơn 20 năm, bà gắn bó công việc chăn nuôi heo thương phẩm. Tuy nhiên, hơn 1,5 năm nay, do sức khỏe vợ chồng bà giảm sút nên đã chuyển sang nhận hàng miếng thủ công mỹ nghệ từ sợi lục bình của tổ hợp tác về gia công để tăng thêm thu nhập bên cạnh nguồn thu chính của gia đình. “Mỗi tháng, tôi có thêm thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng. Làm công việc này, tôi thấy phù hợp sức khỏe và có nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình”, bà Mười Cúc cho biết.

 Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN