Đan lục bình tạo nguồn thu nhập cho phụ nữ

14/12/2022 - 05:39

BDK - Đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Lùng (Tám Lùng), sinh năm 1955, ấp Sùng Tân, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với số tiền 100 triệu đồng để phát triển gia công hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu lục bình. Bà đứng ra nhận hàng gia công của công ty và kết nối, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương với thu nhập mỗi người từ 50 ngàn đồng/ngày.

Phụ nữ địa phương đan hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu sợi lục bình.

Phụ nữ địa phương đan hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu sợi lục bình.

“Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo ở địa phương nên tích cực lao động để vươn lên trong cuộc sống. Hơn 3 năm trước, tôi nhận hàng ở ấp Giồng Nâu (xã Nhuận Phú Tân) và ấp Hưng Nhơn (xã Hưng Khánh Trung A) của huyện Mỏ Cày Bắc về nhà tự đan gia công lục bình. Qua thời gian, tôi học hỏi thuần thục kỹ thuật cũng như kinh nghiệm đan lục bình. Sau đó, tôi nhận hàng số lượng lớn về cho chị em phụ nữ địa phương đan gia công nhằm tạo công việc ổn định và thu nhập cho các chị”, bà Tám Lùng chia sẻ.

Do nhà ở trong đồng, đường đi khó khăn nên bà Tám Lùng mượn địa điểm ở nhà đứa cháu ở cặp huyện lộ 39 (từ xã Hưng Khánh Trung A sang xã Nhuận Phú Tân) làm điểm tập kết hàng hóa (nguyên liệu nhập về và sản phẩm hoàn thành) của công ty hàng thủ công mỹ nghệ lục bình ở xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam). Công ty ước tính trung bình giao 2 bộ khung sắt/người/ngày, 20 ngày giao 1 lần khoảng 300 bộ khung sắt. Sợi lục bình bà mua với giá 20 ngàn đồng/kg. Công ty giao khoán 1kg lục bình/bộ (3 khung). 

“Tuổi cao, sức yếu nên không làm được việc nặng. Nhờ Tám Lùng kết nối doanh nghiệp mang hàng về để mọi người cùng gia công. Thời gian rảnh thì làm, nhiều khi vừa xem tivi vừa đan, giải trí kết hợp tạo nguồn thu nhập phù hợp sức khỏe tuổi già”, bà Huỳnh Thị Tám, 78 tuổi, ấp Giồng Nâu, xã Nhuận Phú Tân cho biết.

Lúc đầu, có 7 - 8 phụ nữ học nghề và nhận hàng về đan gia công. Đến nay, có trên 25 phụ nữ tham gia. Đan gia công được công ty trả 13 ngàn đồng/bộ. Sau khi nhận hàng, công ty sẽ kiểm tra về kỹ thuật và phụ nữ đan lục bình (đầu mối là bà Tám Lùng) sẽ cải thiện khi phát hiện sai sót. Công ty thay đổi mẫu mã theo từng đợt đặt hàng và chụp hình sản phẩm mẫu gửi bà Tám Lùng. Nếu bà đồng ý nhận hàng thì công ty sẽ tiến hành giao nguyên liệu xuống để đan gia công.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh Tây Nguyễn Thị Luyện cho biết: Cô Nguyễn Thị Lùng làm đầu mối nhận hàng công ty về cho phụ nữ địa phương đan gia công, đôi khi tiền gia công công ty chuyển về chậm trễ thì cô tự xuất tiền túi đưa trước cho người nhận đan lục bình. Đúng hẹn thì người nhận hàng đan gia công sẽ đến nơi tập kết để nhận nguyên liệu và giao hàng đúng tiến độ hoàn tất sản phẩm. Mô hình tạo nguồn thu nhập ổn định cho phụ nữ lớn tuổi ở địa phương. Hướng tới, hội sẽ tuyên truyền và đẩy mạnh nhân rộng mô hình giúp phụ nữ địa phương có thu nhập ổn định.  

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích