![Nhộn nhịp làng nghề đan giỏ cọng dừa](http://image.baodongkhoi.vn/news/2016/20161212/fckimage/526277_12-12-2016-7h39-dsc-4076.jpg) |
Hộ ông Lê Văn Hồng hơn 15 năm sản xuất giỏ cọng dừa. |
Từ năm 1995 đến nay, đan giỏ cọng dừa trở thành nghề gần như truyền thống ở xã Phước Long (Giồng Trôm). Từ nơi đây, hàng năm, hơn 1,5 triệu giỏ cọng dừa được tiêu thụ để gói quà phục vụ khách hàng trong dịp lễ, tết…
Năm 2016 sản xuất
trên 2 triệu sản phẩm
Nghề đan giỏ cọng dừa xuất hiện ở Phước Long để chuẩn bị
cho Tết Nguyên đán năm 1996. Người đầu tiên đưa nghề đan giỏ cọng dừa vào Phước
Long là anh Nguyễn Văn Chiến ở ấp Long Thị. Ban đầu, khoảng 10 hộ tham gia sản
xuất, đến nay có hơn 600 hộ. Năm 2015, Phước Long đưa vào thị trường 1,5 triệu
giỏ cọng dừa. “Năm 2016, tại thời điểm này, xã đã sản xuất hơn 2 triệu giỏ.
Công việc sản xuất bắt đầu từ tháng 3 đến giữa tháng 12 âm lịch hàng năm với
hơn 1.200 người tham gia”, ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Ban quản lý làng nghề
của xã cho hay.
Từ tháng 9 đến tháng 12 là thời gian nhộn nhịp đan giỏ cọng
dừa. Ông Lê Văn Hồng ở ấp Long Thị vừa đan giỏ vừa giới thiệu: “Mỗi cái giỏ làm
ra phải qua khoảng 7 công đoạn (tạo khung, đan cọng dừa vào bốn bên của giỏ,
đánh bính, quấn quai giỏ, đan đáy giỏ, hoàn thành khung đáy giỏ, tẩy trắng -
ngâm thuốc trừ mọt, phun vecni). Gia đình tôi thường xuyên lãnh các công đoạn:
đánh bính, quấn quai giỏ, đan đáy giỏ, hoàn thành khung đáy giỏ; mỗi ngày hoàn
thành 1 bành (50 giỏ/bành). Tôi làm nghề này khoảng 15 năm, bây giờ cảm thấy
yêu nghề. Qua đó, tay nghề ngày càng đi lên”.
Khung giỏ được tạo sẵn bằng tre, trúc. Thường mỗi người
làm một công đoạn. Cứ 200g cọng dừa đan được 1 cái giỏ. Theo chị Trần Thị Bé
Ngành Út ở ấp Long Thị, riêng công đoạn đan giỏ chị làm được 50 giỏ mỗi ngày;
còn lại đa phần mỗi người đan khoảng 25 giỏ/ngày.
Đan giỏ cọng lá dừa ở xã Phước Long (Giồng Trôm). Ảnh: T. Long
Mỗi sản phẩm giỏ cọng dừa có sự kết hợp nguyên liệu của
nhiều nơi: cọng dừa của Bến Tre, trúc tre của Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang,
dây nhựa của TP. Hồ Chí Minh… Hơn 3 năm trước, giá bán giỏ cọng dừa rớt thê thảm
nhưng người dân Phước Long vẫn giữ lấy nghề này. “Phải nói là nghề đan giỏ cọng
dừa ở Phước Long thật sự phát triển. Ban đầu, chúng tôi không nghĩ rằng Phước
Long có đại lý thu mua vì chỉ có vài hộ đan giỏ. Nhưng hiện tại, xã có 15 đại
lý lớn vừa sản xuất vừa thu mua giỏ, góp phần ổn định thu nhập cho người dân”,
ông Trần Ngọc Liêm - Chủ tịch UBND xã cho biết.
Niềm vui đón mùa xuân
về
Ban đầu, ai cũng nghĩ đan giỏ cọng dừa chỉ là kiếm tiền
thêm trong giờ nhàn rỗi (ngồi xem truyền hình, hết giờ cho heo ăn, sau giờ đưa
con đi học…) nhưng không ngờ bây giờ nghề này đem lại thu nhập khấm khá cho
không ít gia đình ở Phước Long.
Đến làng nghề vào thời điểm trước tết, chúng ta dễ dàng bắt
gặp hình ảnh sản xuất, vận chuyển nhộn nhịp. Những chiếc giỏ được khéo léo xếp
lồng vào nhau trông như những trái bí rợ “khủng” được vận chuyển đi khắp nơi bằng
đường bộ và đường thủy. Còn ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ, sau khi hoàn thành 1 bành
giỏ, họ gánh “hai trái bí rợ” giao cho đại lý thu mua. Nhờ nghề đan giỏ cọng dừa
mà nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu. Điển hình trong số ấy là anh Thanh ở ấp
Long Thạnh, đã thoát nghèo cách nay 2 năm. Trước đó, anh Thanh chạy xe honda
ôm. Thấy không khá, anh chuyển sang sản xuất giỏ cọng dừa ở công đoạn tẩy trắng,
ngâm thuốc chống mọt và phun vecni. Đến năm 2014, anh Thanh xin rút khỏi danh
sách hộ nghèo, nhường ưu đãi cho hộ nghèo hơn mình.
Ông Lê Văn Hồng cho biết thêm: “Cũng nhờ tham gia sản xuất
giỏ cọng dừa, dù chỉ là những công đoạn sau nhưng mỗi ngày gia đình tôi kiếm được
ít nhất 50 ngàn đồng. Gia đình tôi đang phấn đấu để thoát nghèo”. Còn ông Đỗ
Văn Sòng ở ấp Long Thạnh phấn khởi: “Năm 2015, gia đình tôi trúng đậm giỏ cọng
dừa với giá bán gần 9.000 đồng/giỏ. Từ tháng 10 đến tháng 12 là cao điểm, mỗi
tháng tôi bán khoảng 15.000 giỏ, chủ yếu ở Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Chỉ riêng 4 tháng cận Tết Nguyên đán 2015, gia đình tôi kiếm lời ít nhất 100 triệu
đồng. Hy vọng năm nay cũng như thế”. Được biết, trước đây, gia đình ông Sòng
thuộc diện hộ nghèo. Năm 2006, ông bắt đầu làm nghề đan giỏ cọng dừa; những năm
gần đây và hiện nay ông mở đại lý vừa thu mua vừa sản xuất.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng giỏ cọng dừa tăng dần. Sản phẩm
giỏ cọng dừa của đại lý Nguyễn Văn Thắng được khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa
chuộng. “Ngày 7-12-2016 vừa qua, một khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh đặt tôi
35.000 giỏ, tôi không sản xuất kịp và hẹn năm sau. Cách nay 7 ngày, tôi vừa
giao hết 30.000 giỏ cho một đại lý ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh tổng thu khoảng
200 triệu đồng” - ông Thắng không giấu được niềm vui đón mùa Xuân về.
“Sau nhiều năm sản xuất giỏ cọng
dừa, đã có không ít hộ dân thoát nghèo và làm giàu. Nghề này cũng khá thân
thiện với môi trường, góp phần phát triển du lịch vì nhiều du khách nước
ngoài rất thích tận mắt xem người nông dân Việt Nam sản xuất hàng thủ công mỹ
nghệ với nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Hy vọng, trong thời gian không
xa, đan giỏ cọng dừa ở Phước Long trở thành nghề truyền thống”.
(Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm) |