BDK - Trong những năm qua, diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng cao đến đời sống, sản xuất và kinh doanh của người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra khuyến cáo, hỗ trợ các địa phương và người dân áp dụng vào thực tiễn để giảm thiểu thiệt hại của xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mùa khô, hạn mặn năm 2024-2025.
Đào ao trữ nước ngọt chăm sóc cây trồng trong thời gian diễn ra hạn mặn. Ảnh: L. Đệ
Phát huy vai trò của người dân
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm, những năm gần đây, công tác phòng chống, ứng phó với hạn mặn đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tích cực hưởng ứng của người dân. Các sở, ban, ngành, các cấp địa phương tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức. UBND các huyện, thành phố cùng các ngành hữu quan trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch, phương án về phòng chống xâm nhập mặn năm 2024-2025...
Để bảo vệ cây trồng, người dân cần quan tâm khuyến cáo của ngành NN&PTNT. Cụ thể, kiểm tra độ mặn nước trước khi lấy nước tưới cây trồng. Trong thời gian nhiễm mặn, chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa 2 lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới). Tận dụng tất cả các vật liệu tủ gốc trong vườn có thể (lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…) để hạn chế bốc thoát hơi nước, kết hợp chủ động tạo bóng che tạm thời cho cây trồng.
Trong quá trình chăm sóc cây trồng, người dân cần mạnh dạn tỉa bớt hoặc toàn bộ số trái trên cây tùy theo mức độ ảnh hưởng của mặn ít hay nhiều để đảm bảo sự sinh trưởng của cây. Không nên bồi bùn, kích thích ra hoa, cành mới. Có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, Magiê, Silic, giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chịu mặn. Nếu hạn, mặn kéo dài có thể phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinolide (Nyro 0,01SL), Comcat 150WP, Vitazyme, Dekamon.
Khuyến cáo cho từng loại cây trồng
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm, ngành NN&PTNT đã đưa ra khuyến cáo cho từng loại cây trồng trong điều kiện hạn, mặn. Đối với cây ăn trái, củng cố hệ thống đê bao và bờ quanh vườn, tăng cường dự trữ nước; cần tưới lượng nước tối thiểu giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt bằng phương pháp tưới tiết kiệm như: nhỏ giọt, phun mưa… sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ấm cho cây. Tăng cường bón phân hữu cơ, nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất...
Kiểm tra độ mặn của nước trước khi tưới cho cây trồng. Tùy theo khả năng chịu mặn của các loại cây ăn trái mà có cách sử dụng nước tưới hợp lý (nhóm cây chịu mặn kém: sầu riêng, chôm chôm, bưởi, mít, măng cụt, cam, quýt, chanh, vú sữa...; nhóm cây chịu mặn trung bình: xoài, mãng cầu xiêm, dừa - cây lấy dầu...); tưới bằng nước ngọt ngay khi có thể và giãn cách các đợt tưới trong mùa khô. Bón bổ sung vôi bột với liều lượng 500 - 1.000kg/ha trước khi mặn xâm nhập. Khi hạn, mặn kéo dài, phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; bón phân vi lượng chứa Canxi, Magiê, Silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây. Trên chân đất nhiễm phèn mặn nên bón thêm vôi nung (CaO), trên đất nhiễm phèn không bón các loại phân chua sinh lý như super lân, SA… Tăng cường tưới rửa mặn khi có nguồn nước ngọt, bón phân hữu cơ hoai mục, phân lân để giúp cây phục hồi bộ rễ. Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời, nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trong điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn.
Đối với cây lúa, xuống giống đúng lịch thời vụ đã được khuyến cáo. Người dân tuyệt đối không lấy nước khi có độ mặn lớn hơn 1%o vào ruộng trong giai đoạn làm đòng - trổ. Khuyến cáo không xuống giống Thu Đông trễ hoặc sản xuất vụ 3 trong điều kiện dự báo xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài.
Hạn chế tác hại cho vật nuôi
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm, trong điều kiện thời tiết nắng nóng và tình hình nước mặn xâm nhập diễn biến phức tạp, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Tùy theo loại vật nuôi, số lượng nước sử dụng, nồng độ mặn và thời gian cung cấp dài hay ngắn mà mức độ ảnh hưởng của hạn mặn đến vật nuôi sẽ khác nhau. Người dân cần quan tâm các khuyến cáo để hạn chế tác hại của hạn mặn đến vật nuôi.
Người dân cần chủ động dự trữ nước dùng cho vật nuôi, hoạt động chăn nuôi; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. Dự trữ thức ăn cho gia súc: do hạn mặn kéo dài, nguồn thức ăn xanh tự nhiên cho trâu, bò, dê, cừu… sẽ dần cạn kiệt. Vì vậy, ngoài dự trữ thức ăn khô (như rơm); ủ chua thức ăn tươi, cần trồng thêm các loại cỏ như: cỏ voi, cỏ xả… để bổ sung thêm lượng thức ăn xanh cho đàn vật nuôi.
Định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước, tình trạng sức khỏe, mức độ ăn uống của vật nuôi để phát hiện và có biện pháp hỗ trợ chăm sóc kịp thời trong những thời điểm nắng nóng diễn ra gay gắt.
Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung BComplex, Vitamin C, chất điện giải… vào trong nước uống hoặc trong thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin ngừa các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giúp tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm. Mỗi loài vật nuôi có khả năng chống chịu độ mặn trong nước ở một mức độ nhất định. Gia cầm chịu mặn từ 1 - 2%o. Heo chịu mặn dưới 4%o. Trâu, bò, dê chịu mặn dưới 7%o. Tuy nhiên, đối với gia súc non, đang mang thai và cho sữa thì khả năng chịu mặn kém hơn ở gia súc trưởng thành và nuôi thịt.
Quan tâm trong nuôi thủy sản
Thường xuyên theo dõi quan trắc môi trường, tình hình biến động thời tiết; cập nhật thông tin, số liệu đo độ mặn trên các kênh, rạch; thường xuyên kiểm tra chất lượng nước để chủ động lấy nước sản xuất.
Đối với nuôi tôm nước lợ: Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khỏe tôm nuôi. Nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh cần duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,3 - 1,5m; duy trì các yếu tố môi trường hợp lý (độ mặn từ 10 - 25%o; O2 >3mg/l; pH từ 7,5 - 8,5; độ kiềm từ 80 - 150mg/l). Cung cấp lượng thức ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ, giảm từ 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng (trên 32oC); định kỳ 10 - 15 ngày/lần bổ sung Vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.
Đối với nhuyễn thể (nghêu, sò): Mật độ thả phù hợp từ 180 - 200 con/m2; kích cỡ giống nuôi từ 400 - 600con/kg. Khai thông các vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, gây nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa làm nghêu, sò chết.
Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi lồng/bè: Cần có kế hoạch thả giống phù hợp; không nên thả giống vào thời điểm khô hạn và bị xâm nhập mặn tăng cao (từ tháng 12 - 3 hàng năm). Cá tra nuôi trong ao đất khi độ mặn trong ao trên 8%o kéo dài từ 7 ngày trở lên thì hạn chế cho ăn, dự trữ nguồn nước ngọt cấp bổ sung, nhằm giảm nồng độ nhiễm mặn trong ao. Cá lồng bè khi độ mặn tăng cao trên 5%o và kéo dài 5 - 7 ngày thì di dời đến nơi có môi trường phù hợp.