Đánh giá toàn diện chất lượng tài nguyên đất đai

27/07/2020 - 06:54

BDK - UBND tỉnh vừa có báo cáo kết quả nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai (ĐĐ). Trong đó, có 4 nội dung tập trung thực hiện như: điều tra thoái hóa đất thời kỳ đầu; điều tra, đánh giá tiềm năng ĐĐ; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất; điều tra phân hạng đất nông nghiệp.

Tỉnh đang đề xuất các giải pháp trong quản lý và sử dụng đất bền vững.

Tỉnh đang đề xuất các giải pháp trong quản lý và sử dụng đất bền vững.

Hơn nửa diện tích bị thoái hóa

Theo UBND tỉnh, việc thực hiện dự án thành phần trong dự án Tổng điều tra, đánh giá tài nguyên ĐĐ, nhằm đánh giá tiềm năng ĐĐ, chất lượng đất của tỉnh qua các giai đoạn và để phục vụ cho hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là đề xuất các loại hình sử dụng đất (SDĐ) nông nghiệp thích hợp và bền vững. Đồng thời, để kịp thời tổng hợp, đề xuất các giải pháp trong quản lý và SDĐ; làm căn cứ cho việc lập phương án phân bổ và phân vùng SDĐ trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch SDĐ cấp huyện theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018.

Theo báo cáo, tỉnh đã thực hiện dự án Điều tra thoái hóa đất thời kỳ đầu và đã phê duyệt kết quả tại Quyết định số 2127/QĐ-UBND ngày 27-9-2019. Theo đó, tổng diện tích đất bị thoái hóa là 106.886ha, chiếm 58,63% tổng diện tích điều tra toàn tỉnh. Trong đó, thoái hóa ở mức nhẹ là 31.960ha, chiếm 17,57%. Thoái hóa ở mức trung bình là 44.364ha, chiếm 24,34%. Thoái hóa ở mức nặng là 30.562ha, chiếm 16,76%, phân bố trên địa bàn 7 huyện, thành phố như: Giồng Trôm 15.042ha, Mỏ Cày Bắc 5.673ha, Mỏ Cày Nam 4.607ha, Chợ Lách 3.116ha, TP. Bến Tre 1.533ha, Ba Tri 494ha và Thạnh Phú 98ha.

Thực trạng thoái hóa đất theo mục đích sử dụng: đất sản xuất nông nghiệp có 94.307/140.534ha; đất lâm nghiệp 1.180/6.914ha; đất nuôi trồng thủy sản 10.581/31.464ha; đất nông nghiệp khác 741/714ha đất bị thoái hóa.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng đề cương dự toán điều tra, đánh giá tiềm năng ĐĐ tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021. Riêng về dự án điều tra, đánh giá ô nhiễm và dự án điều tra phân hạng đất nông nghiệp do khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện.

Thoái hóa đất đang gia tăng

Trước đó, Sở TN&MT đã công bố kết quả điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng ĐĐ và thoái hóa đất thời kỳ đầu để có biện pháp quản lý, SDĐ đảm bảo hiệu quả, bền vững. Đối tượng điều tra là các loại đất nông nghiệp và đất bằng chưa sử dụng. Diện tích các đối tượng điều tra theo số liệu thống kê ĐĐ năm 2018 được UBND tỉnh công bố là 182.301ha; trong đó, đất nông nghiệp 181.821ha, đất chưa sử dụng 480ha.

Theo Sở TN&MT, có 3 nguyên nhân chính gây ra tình trạng thoái hóa đất, gồm: Tác động của con người trong việc khai thác, bố trí SDĐ làm thay đổi cấu trúc lớp phủ bề mặt đất, đào kênh mương, lập liếp trồng cây lâu năm làm xáo trộn tầng đất và thay đổi mực thủy cấp trong đất, gây nên tình trạng suy giảm dinh dưỡng và phèn hóa đất. Bên cạnh đó, sự phân bố không đều trong năm của chế độ mưa cộng với nền nhiệt độ cao, gây nên tình trạng khô hạn mùa khô và ngập úng lũ mùa mưa; đồng thời, sự xuất hiện của một số mẫu chất tạo đất có vấn đề như trầm tích có chứa phèn là nguồn gốc gây ra phèn hóa đất.

Lãnh đạo Sở TN&MT nhận định, tình trạng thoái hóa đất có khả năng sẽ gia tăng mức độ thoái hóa từ nhẹ lên mức độ trung bình hoặc nặng trong thời gian tới nếu các biện pháp về chính sách quản lý và hỗ trợ các kỹ thuật canh tác không được đầu tư đúng mức và kịp thời. Do đó, ngành TN&MT tỉnh đề xuất các giải pháp quản lý SDĐ bền vững, góp phần giảm thiểu thoái hóa đất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể như: tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; xây dựng các chương trình hành động và các dự án cụ thể về bảo vệ tài nguyên đất, bảo vệ môi trường sinh thái và chống thoái hóa đất phục vụ cho sự phát triển bền vững.

Việc bố trí SDĐ, đặc biệt là đất nông nghiệp trong phương án quy hoạch SDĐ cần được thực hiện trên cơ sở xem xét bản đồ thích nghi ĐĐ; đồng thời, xem xét đến bản đồ đất, bản đồ chất lượng đất và bản đồ thoái hóa đất, nhằm tránh bố trí những cây trồng, vật nuôi trên vùng đất không hoặc ít thích nghi, hoặc tránh bố trí những cây trồng, vật nuôi làm cho đất dễ bị thoái hóa...

Bài, ảnh: Thanh Bạch

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN