“Bài toán” quy hoạch trong sử dụng đất

28/10/2019 - 06:40

BDK - Con người ngày càng sinh sôi, nhu cầu cuộc sống thì luôn tiếp diễn mà đất thì không thể kiếm thêm. Sự phát triển của tỉnh trong tương lai có mối đe dọa về quản lý đất đai, đó là: Cạnh tranh quy hoạch đất giữa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và các khu tái định cư (theo các chuyên gia thực hiện Báo cáo giai đoạn 1 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Đường Hùng Vương nối dài, thuộc Phường 7, TP. Bến Tre rợp bóng mát cây xanh. Ảnh: T.Thảo

Đường Hùng Vương nối dài, thuộc Phường 7, TP. Bến Tre rợp bóng mát cây xanh. Ảnh: T.Thảo

“Dậy sóng” bất động sản

Thị trường bất động sản Bến Tre đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngoài khu vực TP. Bến Tre, tỉnh vẫn còn nhiều dự án phát triển khu, cụm công nghiệp phân bố nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh dần hình thành ở Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam.

Ngày 28-8-2019, HĐND tỉnh tổ chức Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) thông qua 19 nghị quyết, trong đó có 7 nghị quyết về phát triển đô thị. Các dự án trải dài từ huyện đến thành thị, như: Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới thị trấn Mỏ Cày Nam; Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới Ba Tri; Dự án khu đô thị mới Bình An, thị trấn Bình Đại; Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới Hoàng Gia 1 (The Royal 1) tại khu vực quy hoạch thuộc xã Phú Hưng, TP. Bến Tre; Dự án khu dân cư Hoàng Gia 2 (The Royal 2) thuộc xã Hữu Định, huyện Châu Thành; Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới - đô thị sinh thái Eco2 Park Bến Tre, khu vực quy hoạch thuộc Phường 8, phường Phú Khương, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre; Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới phía Tây TP. Bến Tre, khu vực quy hoạch thuộc xã Bình Phú, Phường 6, 7. Thời gian triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án nói trên trong khoảng năm 2022 đến 2025.

“Bài toán” quỹ đất luôn khiến nhiều lãnh đạo các cấp tốn nhiều thời gian giải đáp khi mà nhu cầu cho phát triển ngày càng nhiều mà quỹ đất thì khan hiếm. Sự hình thành các quy hoạch ít nhiều sẽ có giằng co giữa các lợi ích mà theo các chuyên gia thực hiện Báo cáo giai đoạn 1 Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã dự báo: “Về quản lý đất đai, có mối đe dọa trong cạnh tranh quy hoạch đất giữa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và các khu tái định cư”.

Đất nông nghiệp ít

Một đánh giá mới đây cho thấy, Bến Tre có tỷ lệ cây xanh (cây có bóng râm) che phủ cao nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 46,24%) và gấp hơn 2 lần mức trung bình của khu vực (20,99%). Diện tích phủ xanh của Bến Tre (110,753ha) lớn thứ 3 ĐBSCL, chỉ sau Cà Mau và Kiên Giang, 2 tỉnh có vườn Quốc gia lớn. Nhận định: Bến Tre có thể phát triển hình ảnh của mình như một ốc đảo xanh của vùng ĐBSCL với nhiều miệt vườn và chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 1,5 giờ lái xe.

Bến Tre có quỹ đất trên đầu người nhỏ nhưng tỷ lệ phủ xanh cao và sự đa dạng về hình thái định cư, có tính tiêu biểu cho cả vùng. Đất ở đô thị, nông thôn: Phát triển đô thị tập trung cao độ ở TP. Bến Tre và huyện Châu Thành, Bến Tre có 5 hình thái định cư tiêu biểu cho toàn vùng ĐBSCL. Tỷ lệ đất nông nghiệp bình quân lao động nông thôn của Bến Tre là 1.912m2. Bến Tre có tỷ lệ đất nông nghiệp bình quân lao động nông thôn thấp thứ hai toàn vùng, chỉ bằng 56% mức trung bình của toàn vùng ĐBSCL. 74% đất nông nghiệp là vườn cây ăn quả, đồng thời người dân cũng định cư trên đất nông nghiệp của họ thay vì tập trung thành một khu dân cư mật độ cao và tách biệt với đất nông nghiệp như với trồng lúa.

Một góc đường vào chợ Thom, xã An Thạnh có nhiều cây xanh. Ảnh: T. Thảo

Một góc đường vào chợ Thom, xã An Thạnh có nhiều cây xanh. Ảnh: T. Thảo

Đất nông nghiệp bình quân đầu người phân bố không đều, thấp nhất ở TP. Bến Tre, Chợ Lách và Châu Thành, trung bình 1.100m2/ người. Các huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc có tỷ lệ đất nông nghiệp bình quân đầu người cao nhất, tương đương với 1.600m2, 1.557m2 và 1.315m2/ người cho từng huyện. Các huyện ven biển Ba Tri và Bình Đại có đất trồng trọt trên đầu người ở khu vực nông thôn dưới mức trung bình của tỉnh.

Tỷ lệ đất nông nghiệp bình quân đầu người ở TP. Bến Tre, huyện Chợ Lách và Châu Thành thấp có thể dẫn tới trở ngại cho việc thu hồi đất. Tình trạng này có thể sẽ khó khăn hơn nữa vì loại hình đất nông nghiệp chính của 3 khu vực này là vườn cây ăn quả và người dân có thói quen sống gần vườn của mình.

Lựa chọn dựa trên cơ hội, tiềm năng

Trong 8 cơ hội tiềm năng của tỉnh là: nông nghiệp, du lịch, chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ, năng lượng tái tạo, bất động sản, cộng đồng hưu trí, thành phố xanh và bền vững có thể được Bến Tre tập trung tận dụng, phát triển theo kịp với xu hướng thị trường hiện nay.Các xu hướng thế giới hiện nay được cho là: Thu nhập tăng cao ở châu Á. Ý thức và thói quen quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức và nỗ lực hướng đến môi trường xanh sạch và bền vững. Đẩy mạnh toàn cầu hóa thông qua các hiệp định thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cải tiến số hóa. Bến Tre lại có lợi thế cạnh tranh với các tỉnh, thành khác về: Khoảng cách gần TP. Hồ Chí Minh (trích từ Báo cáo giai đoạn 1 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Tiến sĩ Phạm Văn Bộ - Phó giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (thuộc Bộ Xây dựng) có chuyến công tác tại Bến Tre hôm tháng 6-2019, đã chia sẻ quan điểm về quy hoạch sử dụng đất ở Bến Tre. Ông nói: Bến Tre là tỉnh có vị trí thuận lợi về giao thông, cách TP. Hồ Chí Minh 88km, cách TP. Cần Thơ hơn 100km, các con đường kết nối với các tỉnh lân cận ngày càng thuận lợi hơn. Bến Tre có nhiều di tích lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như Di tích Đồng Khởi.

“Bến Tre cần xây dựng, phát triển theo hướng giữ gìn bản sắc của chính mảnh đất này. Bởi vì như chúng ta biết, phát triển đô thị mà sao chép những đô thị khác thì sẽ khó cạnh tranh được mà nó phải có bản sắc riêng biệt để thu hút nhà đầu tư đến. Vì nhà đầu tư luôn đặt câu hỏi, ở đấy có giá trị gì để mình xứng đáng đầu tư vào”, Tiến sĩ Phạm Văn Bộ cho biết.

Xu hướng phát triển Bến Tre theo hướng xanh hay mũi nhọn là kinh tế? Về lựa chọn này, theo Phó giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị: “Thực ra xu hướng phát triển xanh là xu hướng phát triển bền vững nhất trong kinh tế. Bởi vì khi chúng ta khai thác (đất), bung ra quá thì nó phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của chính vùng miền đó. Thậm chí nó phá vỡ bản sắc của vùng miền đó. Làm mất đi nền tảng quý đó là đánh mất nền móng cho sự phát triển. Phát triển kinh tế không thể tách rời với gìn giữ văn hóa. Khi mà xu hướng thế giới ngày càng toàn cầu hóa thì bản sắc phải được giữ gìn để chúng ta không bị hòa tan với thế giới, để nó là cái vốn cho nơi đấy tồn tại và phát triển”.

“Ai cũng thích những điểm đến, vùng miền khác lạ, mới lạ chứ đến nơi đâu cũng như nhau thì đến làm gì nữa. Trong mắt tôi, thực ra Bến Tre đã được tự nhiên ban tặng cho một cảnh quan thiên nhiên đẹp rồi, những câu chuyện lịch sử hay sản vật ngon như kẹo dừa. Mình chỉ cần bồi đắp thêm, tạo thành những giá trị văn hóa riêng và biến giá trị văn hóa đó thành giá trị kinh tế cho tỉnh nhà”, Tiến sĩ Phạm Văn Bộ bày tỏ.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN