Dấu ấn cầu Hàm Luông

22/04/2010 - 17:42

Ngày 17-1-2006, hàng nghìn người dân đã có mặt và chứng kiến giây phút phát lệnh khởi công xây dựng công trình cầu Hàm Luông-QL 60. Công trình khởi công, các thiết kế kỹ thuật của cầu phải mất một khoảng thời gian khá dài mới được hoàn thiện và trình ngành hữu quan phê duyệt.

Chưa dừng lại, trong suốt quá trình thi công, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải còn cử các kỹ sư thiết kế trực tiếp tham gia công tác giám sát quyền tác giả thường xuyên có mặt trên công trường và từng thời điểm kịp thời tham mưu chủ đầu tư và nhà thầu những khó khăn cần tháo gỡ. Điểm đầu dự án phía thành phố Bến Tre, nối vào ngã tư qui hoạch thuộc dự án đoạn Châu Thành-Bình Phú của QL 60. Khi hoàn thành, điểm đầu dự án là ngã năm, điểm cuối phía Mỏ Cày Bắc nối vào QL 60. Tổng chiều dài của công trình cầu Hàm Luông-QL 60 khoảng 8,2 km, trong đó cầu chính dài 1.280 m (nằm cách bến phà Hàm Luông 2,3 km về phía thượng lưu), hai cầu mới: Cái Cấm và Chợ Xép nằm trên tuyến (phía Mỏ Cày Bắc) dài 450 m và đường hai đầu cầu dài 6.486m.

Đến ngày 1-4-2007, các gói thầu tập kết trang thiết bị và công nhân trên công trường để triển khai các hạng mục đầu tiên. Công trình cầu Hàm Luông-QL 60 được chia làm 4 gói thầu: gói thầu số 1- thi công toàn bộ cầu dẫn phía thành phố Bến Tre và Mỏ Cày Bắc; gói thầu số 2 - thi công 1/2 cầu chính phía thành phố Bến Tre; gói thầu số 3 - thi công 1/2 cầu chính phía Mỏ Cày Bắc; gói thầu số 4 - thi công toàn bộ đường dẫn hai phía và 2 cầu mới nằm trên tuyến. Định kỳ hàng tháng, chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án 7 quản lý dự án và tổ chức cuộc họp giao ban với các nhà thầu về  tiến độ thi công. Sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức trực tiếp kiểm tra các gói thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Trên công trường luôn sôi động, từng ca luân phiên làm việc suốt ngày đêm. Lãnh đạo Trung ương và tỉnh thường xuyên đến công trường thăm hỏi và động viên tinh thần làm việc của anh em công nhân.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm cầu Hàm Luông, ngày đặt dầm bê-tông đầu tiên. Ảnh: Thanh Long

 

Lãnh đạo trung ương và tỉnh kiểm tra tiến độ thi công cầu. Ảnh: H.H

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân tham gia thi công cầu Hàm Luông. Ảnh: Trần Quốc

 

Từng mét đúc hẫng hồn thiện để gắn kết phần chính. Ảnh: Trần Quốc

 

Theo thời gian, các hạng mục đã hoàn thiện dần. Công nhân gói thầu số 1 vừa thi công trụ cầu vừa đúc dầm Super T tại công trường và sử dụng phương tiện chuyên dùng gác nhịp xong phía thành phố Bến Tre rồi chuyển sang phía Mỏ Cày Bắc. Gói thầu số 4 gồm nhiều đơn vị thi công nhưng hoạt động nhịp nhàng và đảm bảo tiến độ. Đất ruộng và vườn phải bơm cát san lấp nâng nền hạ cao dần lên, rồi trải đá và thảm nhựa. Đáng lưu ý là phần đường phía thành phố Bến Tre phát sinh điều chỉnh theo hướng mở rộng thêm mỗi bên 8m để ngang tầm với sự phát triển của thành phố. Chủ trương mở rộng đã nhận được sự đồng tình cao của nhiều hộ dân, thể hiện ở việc bàn giao đất nhanh đảm bảo tiến độ thi công. Con đường rộng, thảm nhựa tươm tất; giữa có dải phân cách được trồng hoa và lắp đèn chiếu sáng tăng thêm vẻ mỹ quan của con đường nội ô thành phố. Gói thầu số 2 và 3, các trụ chính nhô lên khỏi mặt nước, bước vào giai đoạn đúc hẫng cân bằng vượt. Đến ngày 17-11-2009, hai trụ đầu tiên T11-T12 được hợp long và ngày 22-11-2009, trụ T10-T11 hợp long. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cầu Hàm Luông đạt được 3 cái nhất: giải phóng mặt bằng nhanh nhất, tiến độ thi công nhanh nhất (hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng) và có nhịp đúc hẫng (T9-T10, T10-T11, T11-T12), khẩu độ 150 m, dài nhất Việt Nam. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu bước tiến về kỹ thuật của công nhân xây cầu Việt Nam.

 

Ngày 17-1-2010, sau lễ khởi công Công trình cầu Hàm Luông đúng 4 năm, lễ thông xe kỹ thuật cầu Hàm Luông được diễn ra. Cầu Hàm Luông hoàn thành, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đối với Bến Tre. Và 3 năm qua, có hàng trăm công nhân, kỹ sư âm thầm bên công việc. Chất xám, mồ hôi, công sức, ý chí của những kỹ sư, công nhân xây cầu đã lưu lại trên công trường để ước mơ của nhân dân Bến Tre sớm thành hiện thực. Ngay trong lễ thông xe kỹ thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây, đại diện nhân dân Bến Tre bắt tay kỹ sư, công nhân và trao tặng bằng khen khắc ghi sự đóng góp của họ.

Chiều  24-4, lễ khánh thành cầu Hàm Luông diễn ra, hàng nghìn người dân được đi trên chiếc cầu nối liền hai dải cù lao Bảo - Minh dạt dào cảm xúc, hạnh phúc khó mà diễn tả…Vẫn biết phía trước còn nhiều phần việc phải làm để tạo sự đồng bộ, phát triển, nhưng trên hết đó chính là niềm vui, phấn khởi về một diện mạo mới của một vùng quê vốn đã bị chia cắt bởi tứ bề sông nước từ bao đời nay.

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN