Đầu tư thay đổi thiết bị, công nghệ từ nguồn vốn khuyến công

24/10/2018 - 07:38

Cơ sở sản xuất thương mại Trần Minh Tâm ở Phường 6, TP. Bến Tre, chuyên sản xuất thạch dừa, nước dừa, mặt nạ dừa thô và các sản phẩm từ dừa. Trong nhiều năm qua, từ chuyên sản xuất hàng nội địa, hiện nay cơ sở đã vươn lên xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới; từ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công nay đã thay đổi thiết bị, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng thành phẩm.

Chị Lê Thị Bê (thứ ba, trái sang) với các khách hàng nước ngoài. Ảnh:  CTV

Chị Lê Thị Bê (thứ ba, trái sang) với các khách hàng nước ngoài. Ảnh:  CTV

Chị Lê Thị Bê - Chủ cơ sở sản xuất thương mại Trần Minh Tâm cho biết, năm 1999, chị bắt đầu vào nghề và chỉ sản xuất thạch dừa thô tiêu thụ nội địa, chủ yếu là thị trường TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh trong khu vực chứ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện sẽ xuất khẩu. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra ngày càng được thị trường chấp nhận và số lượng không đủ bán nên chị vừa sản xuất vừa mua thêm thạch dừa bên ngoài của nhiều cơ sở khác để giao cho khách hàng. Lúc này, ngoài tập trung cho thị trường trong nước, chị bắt đầu xuất sang thị trường Trung Quốc, mỗi ngày xuất khoảng 700 - 800 tấn. Hàng xuất sang Trung Quốc những năm đầu khá thuận lợi, song chỉ vài năm sau, thị trường bị dội, chị không xuất sang thị trường Trung Quốc nữa. Lúc bấy giờ hàng tồn kho lên đến 500 - 600 tấn, chị lỗ khá nhiều nhưng thời gian sau đó cơ may đến là khi các cơ sở trong tỉnh tạm dừng sản xuất thạch dừa thì hàng lại hút, giá lên chị giải phóng được toàn bộ số hàng tồn kho. Bấy giờ, chị lại trở về thị trường nội địa.

Năm 2012, cơ may một lần nữa lại đến, tỉnh và thành phố có đợt tổ chức cho 10 doanh nghiệp trong tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại một số nước, chị quyết tâm tháp tùng theo. Qua chuyến đi khảo sát thị trường các nước, chị nắm bắt rất nhiều thông tin, tỉ mỉ ghi chép, trao đổi, tìm hiểu thật cẩn thận. Ngay sau khi về nước, chị lên kế hoạch một mình trở lại gặp gỡ các khách hàng đã gặp trong chuyến đi và rất nhiều hợp đồng mới đã được ký kết. Con số trên 400 triệu đồng chi phí mà chị bỏ ra đi giao thương tìm thị trường 6 nước đã đem lại cho chị không chỉ kinh nghiệm giao thương quốc tế mà còn có nhiều hợp đồng đã được ký kết hiệu quả, sản phẩm được nhiều khách hàng để ý. Nhiều trang thông tin của tỉnh, của cơ sở Minh Tâm giới thiệu sản phẩm của cơ sở đã được khách hàng nhiều nước biết đến và việc trao đổi, ký kết hợp đồng ngày càng thuận lợi hơn. Hiện hàng của chị đã xuất sang các nước: Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Myanma, Malaysia…

Đầu năm 2018, để nâng cao chất lượng thành phẩm, nâng công suất sản xuất, chị quyết tâm đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Cùng với vốn cơ sở bỏ ra, vốn đầu tư của Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh 198 triệu đồng, chị đầu tư trang bị máy cắt thạch, máy ép thạch, máy trộn thạch, thay đổi lò hơi từ 300kg lên 500kg hơi… với tổng vốn trên 600 triệu đồng. Đồng thời, chị cũng vừa đầu tư 300 triệu đồng để xử lý nước thải. Hiện cơ sở của chị giải quyết trên 50 lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân trên 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Lê Thị Bê cho biết, để duy trì và ổn định sản xuất, ổn định thị trường lâu dài, chị sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Sản phẩm thạch dừa thành phẩm của chị năm 2017 đã được Bộ Công Thương chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Sản phẩm của cơ sở Minh Tâm cũng đã đạt huy chương vàng và danh hiệu thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, chị cũng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm nước màu dừa để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị các sản phẩm từ dừa của cơ sở.

Cơ sở kinh doanh thạch dừa Minh Tâm với các sản phẩm thạch dừa, nước màu dừa, mặt nạ dừa được chế biến từ nguyên liệu chính 100% nước dừa nguyên chất thiên nhiên. Quy mô sản xuất của cơ sở không ngừng được mở rộng. Hiện nay, diện tích nhà xưởng trên 2.000m2, với đội ngũ công nhân hơn 50 người. Năm 2016, cơ sở đã xây dựng đổi mới toàn bộ nhà xưởng theo quy trình khép kín, thông thoáng và an toàn thực phẩm; máy móc được chuyển sang tự động hóa; trang bị phương tiện vận chuyển hàng hóa và luôn chủ động trong khâu phân phối sản phẩm.

C. Thương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích