Để bưởi da xanh Bến Tre phát triển ổn định và bền vững

24/07/2012 - 18:33
Chọn kích cỡ bưởi da xanh xuất khẩu tại cơ sở Hương Miền Tây.

 Ở TP. Bến Tre, bình quân mỗi hộ trồng 0,5ha, trong đó có khoảng 40% hộ chuyên canh bưởi da xanh. Châu Thành, mỗi hộ trồng khoảng 0,4ha, trồng chuyên 24% hộ. Chợ Lách, mỗi hộ trồng khoảng 0,27ha, trồng chuyên 13% hộ. Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, mỗi hộ trồng 0,25ha, trồng chuyên 31% hộ. Giồng Trôm, mỗi hộ trồng khoảng 0,24ha, trồng chuyên 19% hộ.

Bến Tre, ngoài diện tích vườn dừa trên 53.000ha còn có vùng cây trái đặc sản có giá trị kinh tế cao trên 36.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Chợ Lách, Châu Thành, một số vùng thuộc TP. Bến Tre, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Ngoài các loại cây trồng chính như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cam, quýt…, còn có một loại cây trồng mới phát triển trong những năm gần đây, là cây bưởi da xanh (BDX). Tuy không nổi tiếng như các loại trái cây khác, nhưng BDX Bến Tre rất ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đầu ra khá ổn định.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích BDX toàn tỉnh có trên 4.000ha, trong đó có khoảng 32,26% diện tích đang cho trái, với năng suất bình quân khoảng từ 10-14 tấn/ha. BDX Bến Tre được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia và được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, vì phẩm chất ngon đặc trưng. Tương lai BDX sẽ còn phát triển mạnh về diện tích, năng suất, nhất là trong tình hình giá bưởi tăng cao như hiện nay. Tỉnh đang tập trung nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhà vườn phát triển diện tích trồng mới BDX. Ngoài 4.000ha của dự án, nhiều chương trình khuyến khích khác cũng đang được đầu tư, như: Chương trình canh tác theo qui trình GlobalGAP, VietGAP. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã hoàn chỉnh qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc BDX để hỗ trợ nhà vườn; đang xác lập quyền và quản lý nhãn hiệu tập thể “Bến Tre” cho BDX. Đây có thể xem là bước đi quan trọng, tạo điều kiện cho BDX Bến Tre vươn ra thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thuận lợi trong kinh tế thị trường hiện nay. Việc đăng ký thương hiệu BDX trong tỉnh còn rất ít, chỉ khoảng 4 cơ sở đã đăng ký cấp thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Điều băn khoăn hiện nay là việc trồng BDX rất manh mún, nhỏ lẻ. Hầu như chủ yếu việc trồng BDX từ các hộ gia đình, nên các khâu tổ chức trồng, đầu tư đúng kỹ thuật, thu hoạch… đến khâu chế biến xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là trong nhiều năm qua, thị trường BDX Bến Tre phát triển rất ổn định, đầu ra luôn là sức hấp dẫn của nhà vườn và các doanh nghiệp. Trong tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp, cơ sở chuyên kinh doanh xuất khẩu BDX. Đó là Vựa trái cây Hoàng Quí, với 3 cơ sở ở các xã: Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc), Phú Nhuận (TP. Bến Tre) và Thành Triệu (Châu Thành). Cơ sở này hoạt động 3 năm nay và chuyên thu mua, cung cấp cho thị trường các sản phẩm BDX (trên 60 tấn/tháng), sản lượng tăng bình quân 50%/năm. Trong đó, cung cấp cho thị trường nội địa 80% sản lượng và số còn lại để xuất khẩu. Vựa trái cây Trường Thịnh, có điểm thu mua ở xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) và Sơn Định (Chợ Lách). Ông Phạm Quang Khang - chủ cơ sở cho biết, ông làm nghề thu mua trái cây từ hơn 10 năm nay. Gần đây, thấy thị trường BDX tiêu thụ mạnh do chất lượng bưởi ngon, nên ông đã quyết định mở rộng mặt hàng này và đã đăng ký thương hiệu Bưởi da xanh Trường Thịnh. Bình quân mỗi ngày cơ sở cung cấp cho thị trường từ 2-3 tấn BDX, phần lớn ở: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Khang, cơ sở thực hiện rất nghiêm ngặt việc giữ chữ tín với khách hàng, nên chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo, giá cả phù hợp. Cơ sở Hương Miền Tây là một trong những doanh nghiệp chủ lực của tỉnh trong việc thu mua xuất khẩu BDX. Cơ sở Hương Miền Tây có 2 điểm thu mua ở xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc) và Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre). Chủ cơ sở - ông Phạm Văn Hưng cho biết, cơ sở bắt đầu thu mua BDX từ năm 2004, với sản lượng thấp. Từ năm 2006 đến nay, cơ sở thu mua BDX số lượng lớn hơn, với khoảng 150-200 tấn/tháng (năm 2008), chủ yếu bán cho: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Cũng từ năm 2007, cơ sở Hương Miền Tây bắt đầu xuất khẩu BDX sang một số nước, như: Hồng Kông, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Đức, Canada. Để xuất khẩu ổn định, năm 2011, Cơ sở đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý, đóng gói và bảo quản BDX, với diện tích 1.100m2, tổng kinh phí đầu tư trên 7 tỷ đồng. Trước đây khi chưa có nhà máy, Cơ sở thu mua khoảng 100 tấn/tháng, nay sản lượng thu mua tăng gấp đôi. Cơ sở Hương Miền Tây đang tiếp tục đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất mới, trên diện tích 2.500m2, với tổng vốn trên 10 tỷ đồng. Công trình đang khẩn trương hoàn thành, dự kiến sẽ nâng công suất từ 10-15 tấn/ngày  lên 50-60 tấn/ngày.

Thị trường càng mở rộng, xu hướng xuất khẩu sẽ ngày càng gia tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng vẫn còn điều băn khoăn đối với các cơ sở là làm sao để sản lượng BDX ổn định, đủ sức đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Chất lượng bưởi phải cao hơn, mẫu mã đẹp để đủ sức cạnh tranh.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN