Ông Ngô Minh Trang đang tập hợp bưởi trong tổ để bán theo hợp đồng cho doanh nghiệp thu mua.
Nông dân phải liên kết
“Dứt khoát nông dân phải liên kết”. Đó là khẳng định của chính những người nông dân khi được bàn đến vấn đề cần đổi mới. Lý giải điều này, ông Vương Thành Công - Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi, xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho rằng: “Con đường bền vững chỉ có liên kết thôi”.
Ông Vương Thành Công nói: phải có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các doanh nghiệp (DN) đầu vào, đầu ra và liên kết với các chuyên gia, nhà khoa học để được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Liên kết để canh tác theo hướng GAP. Liên kết để sản xuất ra nguồn hàng lớn, chất lượng đồng nhất, mẫu mã đồng đều.
Về hình thức liên kết, trước hết nông dân sẽ tham gia vào tổ hợp tác. Dẫn chứng về quá trình hình thành và phát huy hiệu quả của tổ hợp tác, ông Công nói: Ban đầu tham gia tổ, nhiều người trồng bưởi lưỡng lự. Tổ thành lập chỉ có 21 thành viên, diện tích 6,5ha. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu (năm 2013), tổ ký hợp đồng tiêu thụ với Cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây với sản lượng 70 tấn/năm. Trên thực tế, DN đã mua 80 tấn/năm. Về tiêu chí phân loại, định giá trái bưởi, các tổ viên khá hài lòng. Sang năm thứ hai, DN tăng sản lượng thu mua lên 200 tấn và hiện nay bình quân là 300 tấn/năm.
Về đầu vào, tổ ký hợp đồng thu mua với các hãng sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo giá tương đương với giá cung cấp cho đại lý cấp 1. Với mức giá này, bà con giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Đến nay, sau 5 năm, bà con tự động xin vào tổ vì thấy có hiệu quả. Tổ hiện phát triển lên đến 70 thành viên, với tổng diện tích trên 32ha. Có thể nói, bà con đã yên tâm sản xuất vì đã có DN đảm bảo đầu vào, đầu ra sản phẩm. Vấn đề hiện nay là bà con từng bước đáp ứng theo nhu cầu sản xuất của DN, đáp ứng yêu cầu thị trường.
“Hiện tại, bưởi còn tiêu thụ được nên có nhiều thương lái đến mua. Đến thời điểm cung vượt cầu, bạn hàng cũng không tiêu thụ được thì lái cũng bỏ. Ngay từ bây giờ, nếu không ký kết hợp đồng với DN và không sản xuất theo chuẩn GAP thì đến khi dội chợ, bà con sẽ bán sản phẩm cho ai?”. Đấy là nội dung được nhắc lại nhiều lần trong mỗi kỳ họp tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi và có thể ví như một “phương châm” định hướng quan trọng nhất trong sản xuất ngày nay.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Ông Lê Nhựt Chiêu - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Người nông dân hiểu thị trường đang cần gì để sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường chứ không thể theo tư duy cũ là “cứ làm được gì thì bán nấy”.
Tổ hợp tác bưởi da xanh Sơn Đông 1, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre là một trong những mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Việc liên kết DN đầu vào, đầu ra được thực hiện bài bản ngay từ đầu. Tổ có 28/28 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 8,5ha. Nông dân đồng thuận trích lợi nhuận để xây dựng tiêu chuẩn VietGAP, bình quân 300 ngàn đồng/công đất. Hiện nay, DN hỗ trợ kinh phí tái chứng nhận, bà con được giảm chi phí đóng còn 125 ngàn đồng/công.
Nông dân Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi.
Theo ông Nguyễn Minh Trang - Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi da xanh Sơn Đông 1, trước đây, trái bưởi có trọng lượng từ 1,8 - 2kg/trái trở lên được xếp vào loại nhất, có giá cao nhất. Còn nay, do xu hướng tiêu dùng nên định giá trái bưởi ngược lại. Cụ thể, bưởi loại hai, trọng lượng từ 1,2 - 1,4kg/trái hiện có giá cao nhất, 52 ngàn đồng/kg. Nhưng nếu đạt tiêu chuẩn VietGAP, DN sẵn sàng mua với giá cao hơn 2.000 đồng/kg ở mỗi loại. Như vậy, nông dân cần phải sản xuất theo đòi hỏi của thị trường người tiêu dùng.
Tích cực hội nhập
“Trong bối cảnh hội nhập, để người nông dân, từng hộ gia đình sản xuất đơn lẻ sẽ ít hiệu quả, vì vậy phải tập trung các nguồn lực về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học công nghệ, kỹ thuật, đào tạo dạy nghề để xây dựng mô hình lớn có sức lan tỏa trên mô hình nông dân với nông dân”.
(Ông Lê Nhựt Chiêu - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh)
|
Thực tế thời gian qua đã chứng minh xu thế tất yếu của liên kết và thay đổi sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu thị trường. Trong khi hiện nay, giá dừa trên thị trường đang rơi xuống thấp do tác động của thị trường thế giới, bởi các yếu tố khách quan thì những nông dân trong tổ hợp tác, hợp tác xã và có ký hợp đồng tiêu thụ với DN vẫn bán được với giá ổn định trên 50 ngàn đồng/chục (12 trái). Những hộ sản xuất theo tiêu chuẩn của DN đưa ra là tiêu chuẩn hữu cơ thì được mua với giá cao hơn giá sàn từ 5 - 20%. Với nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác do chưa thay đổi trong cách sản xuất nông nghiệp nên đã liên tục vướng vào điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Ông Lê Nhựt Chiêu cho hay, thời gian qua, hội đã phổ biến vấn đề cần thay đổi tư duy; vận động, tuyên truyền người dân tham gia liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Các cấp hội đang tập trung phát động nông dân sản xuất đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước cũng cần chủ động trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và thái độ trong sản xuất, phải thay đổi cách sản xuất theo hướng hội nhập, hiện đại, sản xuất theo đòi hỏi của thị trường người tiêu dùng.
Hướng tới, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ hội các cấp, giúp công tác này ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. Thực hiện Đề án nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập của Trung ương hội, Tỉnh hội đã tuyên dương những gương sản xuất xuất sắc để tập hợp, làm nòng cốt xây dựng các mô hình về kinh tế tập thể, tổ hợp tác, câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc