Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Tại Điều 2 của Luật Tố cáo năm 2018 quy định như sau:
1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tố cáo hành vi VPPL trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
b) Tố cáo hành vi VPPL về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
2. Tố cáo hành vi VPPL trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi VPPL trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây:
a) Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
b) Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi VPPL trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi VPPL trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
c) Cơ quan, tổ chức.
Điều 5 Luật Tố cáo quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo: “Tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; xử lý nghiêm minh người có hành vi VPPL và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo”.
Mặt khác, theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31-10-2014, quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, tại Khoản 2, Điều 6 quy định về phân loại đơn.
“a) Đơn đủ điều kiện xử lý là đơn đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt và được người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn.
- Đơn tố cáo phải ghi rõ nội dung tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, hành vi VPPL bị tố cáo.
b) Đơn không đủ điều kiện xử lý là đơn không đáp ứng các yêu cầu tại điểm a khoản này.
- Đơn đã được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, trong đó đã gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đúng người có thẩm quyền giải quyết;
- Đơn đã được hướng dẫn một lần về cùng nội dung”.
Trường hợp của bà, nếu đơn tố cáo của bà thực hiện đúng theo các quy định trên thì thẩm quyền giải quyết tố cáo là của Chủ tịch UBND cấp xã (Điều 13 Luật Tố cáo).
Về thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo (Điều 30 Luật Tố cáo). Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 1 lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
H.Trâm (thực hiện)