Gặp lại những “nhân vật” vươn lên từ gian khó

23/06/2017 - 08:25

21-6 - kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng là dịp xã hội tôn vinh nghề báo và những người tâm huyết với nghiệp “tằm nhả tơ”. Cũng trong ngày này, xin dành một khoảng không gian để gặp gỡ lại hai gương mặt từng xuất hiện trên Báo Đồng Khởi. Cuộc sống, sự vươn lên của họ được vững chắc như hôm nay ngoài sự nỗ lực của bạn đọc còn là sự đồng hành của độc giả Báo Đồng Khởi.

* Đỗ Tấn Khang: bước qua đôi chân tật nguyền

Sinh ra trong một gia đình có 6 người con ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, cứ tưởng cuộc đời tươi đẹp, thế nhưng ai đoán được tương lai. Khi lên 3, sau cơn sốt nặng, anh Đỗ Tấn Khang bị liệt một chân. Ở cái tuổi hồn nhiên ấy, anh chưa đủ hiểu những khó khăn đang chờ mình trong cuộc sống. Đến lúc đi học, mưa gió, đường sình lầy với quãng đường từ nhà đến trường khá xa đã bao lần vật ngã anh. Nhưng với khát khao được học cái chữ đã tiếp thêm cho anh nghị lực. 3 năm là quãng thời gian anh đến trường bằng đôi chân của cậu bạn học gần nhà. Rồi khi bước vào đầu năm lớp 4, phải học ngoài thị trấn Chợ Lách, đường xa lại càng xa với đôi không đi được. Một lần nữa, anh và gia đình muốn bỏ cuộc trong hành trình tìm con chữ.

Anh Đỗ Tấn Khang (bìa trái) (ảnh internet)

Nhưng rồi, may mắn đã mỉm cười với anh khi anh được nhận vào học tại Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh. Tại ngôi trường này, anh có tình yêu thương của thầy cô và đặc biệt là người đàn ông anh trìu mến gọi “Ba Năm”. Chính nhờ Ba Năm - ông Huỳnh Văn Cam - Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh, nhiều nhà hảo tâm và các tổ chức nước ngoài biết đến anh. Với nghị lực phi thường cùng sự giúp đỡ của nhà hảo tâm, anh Đỗ Tấn Khang vượt qua đôi chân tật nguyền trở thành một trong 3 học sinh thế hệ đầu tiên của Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật hòa nhập vào xã hội.

Năm 1997, sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, anh thi đậu vào Trường THPT Chợ Lách A. Siêng năng và kiên trì học tập, 3 năm học phổ thông, anh đều đạt danh hiệu học sinh khá - giỏi và trúng tuyển vào ngành Công nghệ sinh học - Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ. Sau bao năm nỗ lực học tập, anh tốt nghiệp đại học loại giỏi và được giữ lại trường để giảng dạy.

Năm 2010, anh là một trong số ít người giành được học bổng của Chính phủ Australia. Khi hoàn thành khóa học, anh trở về nước và vẫn tiếp tục công tác tại Trường Đại học Cần Thơ. Đến năm 2014, anh nhận được học bổng tiến sĩ. Hiện anh đang theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Hiroshima (học bổng của Chính phủ Nhật). Được biết, tháng 10 năm nay, anh sẽ tốt nghiệp và trở về Việt Nam.

* Nguyễn Chí Bảo: Bay cao với ước mơ

Cách đây gần 4 năm, trong lần về Trường THPT Che Guevara (Mỏ Cày Nam) dự lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi được Ban chấp hành công đoàn cơ sở trường giới thiệu trường hợp của Bảo, cậu học trò nghèo nhưng giàu nghị lực, ý chí phấn đấu. Sau gần 4 năm, ấn tượng trong chúng tôi về Bảo chỉ là sự trầm buồn, ít nói trong chiều sâu của bộn bề cuộc sống.

Em Nguyễn Chí Bảo (bìa phải) tặng hoa chúc mừng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Nhà có 2 anh em, kinh tế gia đình khó khăn, mẹ Bảo phải vất vả làm đủ thứ nghề. Ba theo công trình lên tận TP. Hồ Chí Minh để phụ hồ. Ngày đó, để chia sẻ vất vả với mẹ ngoài thời gian đi học, Chí Bảo kiêm luôn công việc nội trợ để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Chính những giọt mồ hôi của mẹ, nếp nhăn hằn sâu trên trán ba đã tạo động lực để Chí Bảo phấn đấu. “Lúc đó em mơ ước mình trở thành bác sĩ để làm việc kiếm thật nhiều tiền lo cho ba, mẹ. Nhưng giờ em là kỹ sư phần mềm chị ạ” - Bảo nói.

Sau 4 năm em xuất hiện trên mặt báo, giờ đây, Nguyễn Chí Bảo là sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ - Thông tin Trường Đại học Cần Thơ. Chỉ còn vài tháng nữa, cậu học trò vùng quê nghèo ngày nào trở thành kỹ sư phần mềm với bao ước mơ, hoài bão. Nhớ về những ngày tháng trước đây, Chí Bảo cười tươi nói: “Em nhận được sự giúp đỡ khá nhiều từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm. Trước tiên là sự ủng hộ của quý thầy cô, bạn bè trong lớp, trường và một số trường khác trên địa bàn huyện. Với số tiền được hỗ trợ, em dành dụm mua thêm dụng cụ học tập, tài liệu tham khảo”.

“Nhờ sự ủng hộ của mọi người mà em vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống. Nhân đây em xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Ban biên tập, phóng viên Báo Đồng Khởi đã mang tiếng nói, tâm tư tình cảm của chúng em đến với mọi người và cộng đồng xã hội. Để xứng đáng là người thanh niên Đồng khởi mới do Tỉnh ủy phát động, em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng các mạnh thường quân - những người đã hết lòng giúp đỡ em có được ngày hôm nay”, Chí Bảo chia sẻ.

Phan Hân - Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN