Giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh

15/07/2016 - 07:02

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng hồ chứa nước cho người nghèo xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: T.Long

Hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” nằm trong khuôn khổ MDEC - Hậu Giang 2016 do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức đã thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế, viện, trường tham gia, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp để phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL.

Quản lý nguồn nước sông Mekong

Nằm ở tận cùng của lưu vực, những diễn biến nhanh chóng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và việc sử dụng nguồn nước sông Mekong từ thượng nguồn đòi hỏi ĐBSCL phải thường xuyên cập nhật nhận thức về những thách thức, tác động kép của BĐKH và sử dụng nguồn nước. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước cho rằng, sự khan hiếm nước ngọt đã được dự báo và các tình huống cực đoan có thể sẽ xảy ra nhiều hơn, với cường độ mạnh hơn. Cho nên, việc quản lý tốt nguồn nước sông Mekong là một yêu cầu bắt buộc để giảm thiểu các tác hại. Nguồn nước sông Mekong phải được xem là tài sản chung của tất cả quốc gia trong lưu vực, là nhận thức cơ bản và bức thiết. Các quốc gia lưu vực phải sử dụng nước ngọt tiết kiệm, với hiệu quả cao nhất trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đã đến lúc phải chung sống với nước mặn, xem nước mặn và lợ là một dạng tài nguyên cần được khai thác.

Đại biểu chia sẻ giải pháp kiểm soát mặn. Ảnh: T.Quốc

Để ứng phó với BĐKH, bên cạnh các công trình, phải tính đến những giải pháp phi công trình; bên cạnh các công trình “cứng, một công năng”, có những công trình “mềm, có thể thay đổi công năng”. Khi quyết định xây dựng một công trình phải trả lời các câu hỏi: Xây dựng ở đâu, lúc nào, hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường ra sao?

Ổn định đất trồng lúa khoảng 1,7 triệu héc-ta

TS. Nguyễn Trọng Uyên - Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam đề xuất: “ĐBSCL cần giảm và ổn định quỹ đất chuyên trồng lúa khoảng 1,7 triệu héc-ta, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác; tăng diện tích luân canh lúa - màu lên 185 - 200 ngàn héc-ta và lúa - thủy sản (tôm - lúa vùng nước mặn lợ ven biển và lúa - cá/tôm vùng nước ngọt) lên 240 - 300 ngàn héc-ta. Đất trồng cây lâu năm tăng lên 400 - 450 ngàn héc-ta, trong đó diện tích cây ăn quả khoảng 300 ngàn héc-ta. Đất lâm nghiệp tăng lên khoảng 330 ngàn héc-ta, bao gồm rừng sản xuất 146 ngàn héc-ta, rừng phòng hộ 88 ngàn héc-ta và rừng đặc dụng 96 ngàn héc-ta. Đất nuôi trồng thủy sản tăng lên 542 ngàn héc-ta, trong đó diện tích nuôi nước mặn, lợ 507 ngàn héc-ta, nước ngọt 35 ngàn héc-ta. Đất muối sản xuất giảm còn 4,6 - 4,8 ngàn héc-ta, nâng diện tích sản xuất muối theo công nghệ tiên tiến chiếm 60 - 70%”.

Hạn mặn vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: S. Lý

TS. Nguyễn Trọng Uyên lý giải: Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn và sử dụng ít nước hơn; tăng diện tích luân canh lúa - màu ở vụ Xuân Hè để tránh hạn mặn. Áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến, tăng tỷ lệ diện tích đất sử dụng lúa xác nhận hoặc tương đương lên trên 80%. Tăng diện tích đất trồng màu trên đất lúa, nhất là vụ Xuân Hè và Hè Thu. Năm 2020, diện tích đất trồng dừa khoảng 120 - 130 ngàn héc-ta và sản lượng đạt 1 triệu tấn; tập trung cải tạo vườn tạp và vườn dừa già cỗi, trồng thay thế bằng các giống mới có năng suất cao, nhân rộng các mô hình trồng xen, áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh thích hợp… Kèm theo đó là các giải pháp về quy hoạch, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng, vốn.

Quan tâm đến giải pháp nạo Vét kênh rạch

PGS.TS Trịnh Công Vấn - Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong quan tâm đến giải pháp nạo vét kênh rạch, sử dụng mô hình “Ngân hàng đất” và chống vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vùng ĐBSCL. Theo đó, nước trong hệ thống sông tại ĐBSCL mang nhiều phù sa nên mức độ bồi lắng khá cao, đặc biệt kênh rạch khu vực ven biển và vùng giáp nước cứ 2 - 3 năm cần thiết phải được nạo vét. Nạo vét để duy trì năng lực các kênh tưới hoặc thoát lũ, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông thủy. Tuy vậy, công tác nạo vét kênh rạch gặp không ít khó khăn do công nghệ và thiết bị nạo vét lạc hậu, các cơ chế và chính sách chưa tạo động lực phát triển nạo vét một cách bền vững. Một số nơi, nạo vét không có chỗ trữ để chảy ra kênh, rạch lân cận, Nhà nước lại phải đầu tư kinh phí nạo vét kênh này. “Mô hình “Ngân hàng đất” khác với quá trình nạo vét truyền thống: nạo vét truyền thống chỉ bao gồm nạo vét + vận chuyển + thải đất ra “bãi thải” và không tiếp tục quản lý khai thác vật liệu thải. Còn “Ngân hàng đất”, đất thải tiếp tục được quản lý để tái chế sử dụng bởi nhà đầu tư cho “Ngân hàng đất”. Tư nhân có thể đầu tư toàn bộ dự án “Ngân hàng đất” trong khuôn khổ quy định của Nhà nước, bởi đất thải sau khi xử lý sẽ bán và có sinh lợi” - PGS.TS Trịnh Công Vấn đưa ra giải pháp.

PGS.TS Trịnh Công Vấn còn đề cập đến tình trạng vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi, gây cản trở dòng chảy (chà, nò, lú, đáy), xây dựng nhà tạm, chuồng trại, trồng cây lâu năm, đổ rác thải, chất thải, xả nước thải vào công trình thủy lợi và tình trạng khai thác đất, cát khu vực lòng sông, bãi sông không đúng quy định. Để giải quyết tình trạng này, cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, nâng cao nhận thức người dân; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Nhiều đại biểu thống nhất cao với đề xuất, biến kênh rạch, mương vườn, ao hồ thành nơi trữ nước ngọt vào thời điểm hạn mặn.

Giám sát hoạt động khai thác, sử dụng để bảo vệ tài nguyên nước

Theo bà Nguyễn Thu Phương - Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải quyết các vấn đề thách thức ở ĐBSCL hiện nay, cần phải có các giải pháp đồng bộ không chỉ trong nước mà còn cho cả 6 quốc gia có chung dòng sông Mekong. Thành lập Ủy ban lưu vực sông Cửu Long để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng để bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra trên đồng bằng tiến đến giải quyết hài hòa, có hiệu quả, bền vững các vấn đề tài nguyên nước giữa các bên liên quan, giữa thượng lưu, hạ lưu và giữa khai thác với bảo vệ. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo về biến động nguồn nước, xâm nhập mặn do tác động của BĐKH - nước biển dâng. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho ĐBSCL phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể chung toàn vùng, liên vùng, có sự phân kỳ, xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong tưới tiêu, chống lãng phí nguồn nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, hội thảo đã đưa ra thông điệp hạn mặn đang là thách thức lớn, đặt ra nhiều lo ngại. Vấn đề đặt ra vẫn là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về thích ứng với BĐKH. Từ Trung ương đến địa phương cần rà soát thể chế đảm bảo phù hợp với yêu cầu đặt ra. Khắc phục tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; sự cần thiết phải sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và hướng đến bền vững; phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ kênh rạch, bờ sông, cửa sông ven biển; đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả dự báo. Quốc hội, Chính phủ, các nhà khoa học, viện, trường, kể cả việc gắn kết với cộng đồng quốc tế để có giải pháp khả thi trong kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh cho ĐBSCL phát triển thịnh vượng và bền vững.

Trần Quốc (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN