Giồng Trôm: Tích cực ứng phó hạn mặn, ổn định đời sống người dân

11/05/2020 - 06:34

BDK - Hạn mặn diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Giồng Trôm. Tính đến nay, hạn mặn đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân. Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó nhằm giảm thiệt hại cho nhân dân.

Người dân xã Hưng Nhượng lấy nước sinh hoạt tại các điểm cấp nước miễn phí.

Người dân xã Hưng Nhượng lấy nước sinh hoạt tại các điểm cấp nước miễn phí.

Nguồn Nước ngọt khan hiếm

Qua rà soát, có trên 70% diện tích cây trồng bị thiệt hại, trong đó có khoảng 59ha diện tích rau màu, 958ha lúa, trên 16,6 ngàn ha dừa, hơn 3,8 ngàn ha cây ăn trái. Nguồn nước tại 6 nhà máy nước nông thôn và 1 chi nhánh cấp thoát nước bị nhiễm mặn, đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Độ mặn 12 - 15%o nên việc lọc bằng hệ thống RO của một số nhà máy nước đã ngưng hoạt động. Hiện nay, chỉ còn nhà máy nước Hưng Nhượng, Hồ Sen, Châu Bình đang hoạt động với công suất khoảng 15m3 nước ngọt/giờ và Trạm tăng áp Châu Hòa, với công suất khoảng 8m3 nước ngọt/giờ phục vụ nước cho sinh hoạt của nhân dân. Nguồn nước mặt (sông, rạch, ao hồ…) bị nhiễm mặn rất cao, độ mặn từ 12 - 15%o , ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân. Đa số hộ dân trên địa bàn đều đổi nước ngọt, khoan giếng tầng nông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhiều hộ dân phải đổi nước ngọt sinh hoạt với giá từ 100 - 170 ngàn đồng/mvà sử dụng nước máy nhiễm mặn.

Chủ động các giải pháp

Ngay từ những tháng cuối năm 2019, huyện chủ động tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn mặn trong sản xuất và dân sinh. Thường xuyên tổ chức thăm đồng, thăm vườn, đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi trong điều kiện hạn mặn. Đồng thời, huyện phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện hướng dẫn các giải pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Thời gian qua, ngành hữu quan của huyện đã tổ chức 15 lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ chuyên đề hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong thời gian xảy ra hạn mặn. Huyện thực hiện công tác quan trắc độ mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS của tỉnh, thông tin độ mặn tại các tuyến sông chính trên địa bàn được cập nhật từ huyện đến xã. Các ngành chuyên môn huyện tổ chức đo độ mặn tại các cống đầu mối và các khu vực nội đồng 3 lần/tuần, thực hiện từ tháng 12-2019 đến nay và thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh huyện, các xã, thị trấn để nhân dân biết, chủ động phòng ngừa và ứng phó với diễn biến của xâm nhập mặn.

Người dân lấy nước sinh hoạt tại điểm cấp nước ngọt từ máy lọc RO xã Hưng Nhượng.

Người dân lấy nước sinh hoạt tại điểm cấp nước ngọt từ máy lọc RO xã Hưng Nhượng.

Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình cống ngăn mặn, trữ ngọt để kịp thời duy tu, sửa chữa, đảm bảo vận hành hiệu quả trong mùa hạn mặn. UBND các xã quản lý cống nội đồng, chịu trách nhiệm vận hành trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Địa phương cũng đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có chủ trương đầu tư đê bao ngăn mặn đoạn từ cống Sơn Đốc 2 đến cống Cái Mít để khép kín đê bao ven sông Hàm Luông trong thời gian tới. Hiện đang xây dựng cầu - cống Trung Nhuận (xã Châu Bình), cầu - cống rạch Xẻo Rắn (xã Châu Hòa). Thi công hoàn thành 3 tuyến kênh thuộc các xã: Châu Bình, Hưng Nhượng và 5 tuyến kênh thuộc các xã: Tân Thanh, Lương Hòa, Phong Nẫm, Phong Mỹ để trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 Tiếp tục phòng chống hạn mặn

 Công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống hạn mặn trong thời gian qua đã phát huy tốt hiệu quả, người dân tích cực, chủ động trong việc chuẩn bị ứng phó hạn mặn ngay từ đầu mùa khô, góp phần giảm đáng kể thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Bên cạnh đó, phải kể đến sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà tài trợ, mạnh thường quân trong việc vận chuyển, cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt, ăn uống cho người dân trên địa bàn huyện, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn trong giai đoạn hạn mặn xâm nhập. Các nguồn vận động và tiếp nhận trên địa bàn huyện tính đến ngày 7-5-2020 trên 13 tỷ đồng. Trong đó, tiếp nhận trên 8,4 ngàn dụng cụ chứa nước các loại gồm bồn chứa nước, can nhựa, xô, túi, ống hồ xi-măng; 36 thiết bị lọc nước từ các nhà tài trợ tổng trị giá 3,2 tỷ đồng đã lắp đặt đưa vào sử dụng phục vụ người dân; trên 53 ngàn mét khối nước ngọt thô phục vụ sinh hoạt và trên 38,8 ngàn thùng, bình nước uống cùng nhiều phần hỗ trợ khác.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nhân, thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức đoàn khảo sát thiệt hại đối với cây trồng, nhất là cây ăn trái, vật nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau hạn mặn. Các cơ quan chuyên môn, địa phương hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong, sau mùa hạn mặn nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do hạn mặn gây ra. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp tiếp tục vận động các nhà tài trợ cung cấp nguồn nước ngọt tại 10 điểm dự trữ nước của huyện để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân.

Trong những năm tiếp theo, huyện tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân công tác ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ để ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển nâng cao năng suất vườn dừa 17 ngàn ha. Tổ chức tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm giúp nông dân ứng dụng các giải pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi sau hạn mặn. Chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cải tạo, phát triển các giống cây, con thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm nhân giống lúa có khả năng chịu mặn nhằm chọn giống phù hợp với điều kiện canh tác địa phương.

Huyện tăng cường kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi, kịp thời gia cố, nạo vét và sửa chữa những công trình hư hỏng; vận hành các công trình thủy lợi đầu mối đảm bảo phục vụ tốt sản xuất và dân sinh. Thực hiện nạo vét các tuyến kênh nội đồng và sửa chữa các cống tạm trên địa bàn thuộc nguồn vốn tỉnh và huyện để tích trữ nước; vận hành các cống đảm bảo đúng lịch; theo dõi sát diễn biến mặn để vận hành các công trình thủy lợi tháo mặn, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đê ngăn mặn ven sông Hàm Luông và cống Thủ Cửu; theo dõi tiến độ thi công cống Trung Nhuận, xã Châu Bình, cống Xẻo Rắn, xã Châu Hòa; sớm có chủ trương đầu tư đê bao ngăn mặn đoạn từ cống Sơn Đốc 1, xã Hưng Lễ đến cống Cái Mít, xã Thạnh Phú Đông; đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào vận hành Nhà máy nước Hưng Lễ”.

(Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nhân)

Bài, ảnh: Kim Phụng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN