Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

22/11/2023 - 05:41

BDK - Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được tỉnh quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được 5.190,38ha. Các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác lúa.

Sản xuất lúa - tôm tại huyện Thạnh Phú mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản xuất lúa - tôm tại huyện Thạnh Phú mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyển đổi cây trồng

Nhằm khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn, những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Đây cũng là chủ trương nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để khai thác những tiềm năng, lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của địa phương; mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, công thức luân canh, phương thức sản xuất phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Năm 2023, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã rà soát nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác của các hộ dân, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đồng thời, tại bộ phận một cửa của UBND các xã có công khai quy trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, hộ dân có nhu cầu chuyển đổi có thể liên hệ trưởng ấp hoặc cán bộ phụ trách để được hướng dẫn làm thủ tục xin chuyển đổi.

Kết quả, đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang rau màu, trồng cỏ làm thức ăn gia súc trên toàn tỉnh là 270,9ha (tăng 84ha so với kế hoạch), phân bổ ở huyện Ba Tri. Các mô hình chuyển đổi này có lợi nhuận cao hơn 4 lần so với trồng lúa.

Tổng diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 411,08ha (tăng 292,78ha so với kế hoạch), phân bổ ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm và Bình Đại. Lợi nhuận từ việc chuyển đổi sang trồng cây lâu năm cao gấp 6,4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hạn mặn nên việc trồng lúa ngày càng khó khăn, vì vậy, người dân có xu hướng chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi, dừa có khả năng thích nghi tốt trong điều kiện hạn mặn.

Tổng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 4.508,4ha, chủ yếu chuyển đổi ở các huyện Thạnh Phú và Bình Đại (chuyển đổi trên nền đất lúa 1 vụ). Mô hình chuyển đổi đã thực hiện có hiệu quả từ nhiều năm trước đây, với hình thức nuôi xen, trồng xen kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trung bình 1ha, nông dân thu lợi nhuận từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vùng sản xuất lúa - tôm đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Lúa sạch Thạnh Phú”.

Nhìn chung, tổng diện tích chuyển đổi trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 5.190,38ha. Với hiệu quả sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình chuyển đổi đã được nhân rộng; diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa được mở rộng qua các năm.

Năm 2024 sẽ chuyển đổi 153ha

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, năm 2024, tỉnh sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm 14ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 66,18ha, chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 7,3ha. Diện tích chuyển đổi được thực hiện tại 3 huyện: Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, lâu năm, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập; đồng thời, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua xây dựng mã số vùng trồng nội địa, xuất khẩu tạo đầu ra ổn định, từng bước phát triển nông sản chủ lực của tỉnh.

Để thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình riêng lẻ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN