Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023

13/04/2023 - 19:10

BDK - Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT) trên đất trồng lúa toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Trồng lúa ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm.  Ảnh: Quốc Thi

Trồng lúa ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm.  Ảnh: Quốc Thi

Theo đó, việc CĐCCCT sẽ thực hiện trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, lâu năm, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập. Đồng thời, việc CĐCCCT góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua xây dựng mã số vùng trồng nội địa, xuất khẩu tạo đầu ra ổn định từng bước phát triển nông sản chủ lực của tỉnh.

Thực hiện CĐCCCT phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc CĐCCCT từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải lựa chọn loại cây trồng, cơ cấu giống, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định và bền vững.

Diện tích thực hiện CĐCCCT trên đất trồng lúa tại địa bàn tỉnh năm 2023 là 4.932,1ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 187,1ha, chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 236,6ha (tính theo diện tích gieo trồng), chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 4.508,4ha. Diện tích chuyển đổi trên địa bàn 4 huyện: Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

Để thực hiện tốt công tác CĐCCCT trên đất trồng lúa năm 2023, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình riêng lẻ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất.

Đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các vùng, khu vực chuyển đổi, quản lý chặt chẽ, ký cam kết việc chấp hành các yêu cầu, điều kiện nguyên tắc chuyển đổi với các hộ dân thực hiện chuyển đổi. Hướng dẫn các thủ tục pháp lý giúp người dân thực hiện CĐCCCT trên đất trồng lúa đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt như tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương để tiết kiệm nước. Tập huấn kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại trên các loại cây trồng theo hướng GAP, hữu cơ... nhằm nâng cao giá trị nông sản, an toàn với môi trường sinh thái.

Khuyến cáo ứng dụng các giải pháp phòng chống hạn, mặn trong mùa khô như: chủ động sử dụng ao hồ, dụng cụ trữ nước ngọt, khuyến khích người dân ứng dụng các hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, màng phủ nông nghiệp...

Trương Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích