Hiệu quả của Dự án nấm xanh phòng trừ rầy nâu hại lúa

11/12/2012 - 16:43
Chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae.

Trong những năm qua, Trường Đại học Cần Thơ đã kết hợp, chuyển giao quy trình sản xuất nấm xanh Metarhizium anisopliae (M.a) đến người dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh,... dùng phòng trị rầy nâu hại lúa, với hơn 5.000ha lúa và trên 1.500 lượt hộ nông dân tham gia sử dụng, đã làm giảm mật số rầy nâu đáng kể, hiệu quả từ 80-85% sau 5 - 7 ngày sử dụng.

Từ tháng 10-2011, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thuộc Sở KH&CN Bến Tre đã triển khai thực hiện Dự án “Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh M.a ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh M.a trừ rầy nâu hại lúa tại 4 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm”.

Chế phẩm nấm xanh M.a có hiệu quả cao đối với rầy nâu, bọ xít hại lúa. Đặc biệt, chế phẩm này không gây ảnh hưởng tới thiên địch của sâu hại, hệ sinh thái, con người và môi trường. Vì vậy, chế phẩm này rất phù hợp với các mô hình lúa hữu cơ, mô hình lúa - cá, lúa - tôm. Mặt khác, chi phí về thuốc bảo vệ thực vật ở những ruộng sử dụng nấm xanh M.a trừ rầy nâu thấp hơn nhiều và năng suất lúa tăng hơn so với các ruộng phun thuốc hóa học.

Từ vụ Hè - Thu và Thu - Đông năm 2012, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN đã triển khai thực hiện Dự án ở 4 huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, với tổng diện tích thực nghiệm 24 ha (6ha/huyện) và thực hiện nhân rộng 200ha. Tham gia Dự án, nông dân được tập huấn về quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm nấm xanh và được chuyển giao quy trình để có khả năng tự sản xuất phục vụ cho nông hộ. Theo Cử nhân Võ Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN, quy trình sản xuất nấm xanh M.a đơn giản và dễ thực hiện, chỉ qua hai bước:

Bước 1: chuẩn bị môi trường thứ cấp và bước nhân sinh khối nấm trên môi trường thứ cấp, theo trình tự sau: gạo ngâm 60 phút, sau đó để trong mát cho ráo nước (không được phơi nắng); cho 500gr gạo vào túi nylon buộc kín túi gạo cho vào nồi hấp tiệt trùng ở nhiệt độ 100oC trong thời gian hai giờ.

Bước 2: nhân sinh khối nấm trên môi trường thứ cấp: Sau khi hấp tiệt trùng, đưa các túi gạo ra phòng sạch để nguội rồi bịt đầu nút bông gòn và bóp cho gạo (thành cơm) tơi ra đưa vào tủ để cấy nấm; các đĩa nấm không bị nhiễm tạp chất; tủ cấy phải được khử trùng; sau khi cấy phải dùng giấy báo bịt kín các túi và để trong môi trường thoáng mát, khô; sau 10-14 ngày, thu hoạch nấm xanh để phun trừ rầy nâu. Trước khi cho nấm xanh vào bình phải có vải lược trên bình xịt. Nếu sau 14 ngày mà chưa sử dụng, thì để dành nấm xanh khoảng 7-10 ngày nữa vẫn được, nhưng phải trộn đều ba ngày một lần để nấm xanh tiếp tục phát triển. Nấm xanh hòa chế trong nước, xịt sâu rầy lúc trời mát (một túi chia đều cho 4 bình - tương đương 16 lít/2 công lúa), để việc phun xịt có hiệu quả cần pha thêm chất bám dính. Phun lần 1 lúc 15 - 25 ngày sau sạ, phun lần 2 vào lúc 45 - 50 ngày sau sạ. Nếu lúa sau sạ có rầy di trú vào ruộng thì phun nấm xanh ba đợt: Đợt I lúc rầy nở rộ; đợt II cách đợt I khoảng 10 ngày; đợt ba nếu có số rầy tăng 5.000 con/m2.

Mặc dù còn khá mới mẻ, nhưng qua thử nghiệm ở 2 vụ lúa Hè - Thu và Thu - Đông năm 2012, bước đầu, theo đánh giá của Ban Chủ nhiệm Dự án, nấm xanh M.a phòng trừ rầy nâu và sâu hại lúa đạt hiệu quả khá tốt, giảm chi phí sản xuất, ít ảnh hưởng môi trường và đặc biệt là làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Hướng tới, Ban Chủ nhiệm Dự án sẽ tiếp tục thử nghiệm trên cây rau màu và một số loại cây khác để đánh giá tác dụng của nấm xanh trên nhiều loại cây khác nhau, làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng chế phẩm nấm xanh M.a trong sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp không có dư lượng thuốc trừ sâu, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Bài, ảnh: Cao Đẳng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN