Nhóm hợp tác trong Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của UBND xã của từ 3 cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Là một trong những huyện đầu tiên tiếp cận với Dự án DBRP từ năm 2008, Mỏ Cày Bắc có 5 xã tham gia là Thanh Tân, Tân Thành Bình, Thành An, Tân Thanh Tây và Nhuận Phú Tân. Ông Nguyễn Văn Út - Trưởng Văn phòng Dự án huyện cho biết, đến nay các xã này có 151 tổ hợp tác được củng cố và thành lập mới, với 3.515 thành viên, trong đó có 1.474 người thuộc diện hộ nghèo. Các tổ, nhóm hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi (heo, bò), còn lại là trồng trọt (dừa, hành…) và tiểu thủ công nghiệp (bó chổi, đan hàng thủ công mỹ nghệ, may giày da, may banh, quần áo…). Trong số này, có những tổ được hình thành từ hơn 10 năm nước, như tổ may banh, đan đát. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm này đều mang tính từ phát, xuất phát từ yêu cầu thực tế, với người có điều kiện để cùng làm chung một hoạt động nào đó.
Khi có sự tham gia của Dự án DBRP, nhóm hợp tác được định hướng hoạt động theo chuỗi giá trị sản phẩm. Các tổ hợp tác được nâng cao năng lực về cách thành lập, tổ chức, quản lý nhóm; cách tiếp cận vốn vay, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh… Ông Nguyễn Văn Út cho biết, chỉ tính riêng hoạt động nâng cao năng lực, đến nay đã có 128 lớp được tổ chức, với sự tham gia của 4.049 người. Qua giám sát, đánh giá sau các lớp tập huấn và đào tạo nghề ngắn hạn, có 2.695 người (67,06%) áp dụng kiến thức đã học vào lao động sản xuất hàng ngày, góp phần nâng cao hiệu quả lao động và giảm nghèo cho người dân nông thôn.
Ngoài hoạt động nâng cao năng lực, thông qua nhóm hợp tác hay những dự án, kế hoạch cụ thể, các thành viên của nhóm được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bà Huỳnh Ngọc Diệu - chuyên viên thị trường Văn phòng Dự án Mỏ Cày Bắc cho biết, nhiều mô hình như nuôi ong ký sinh, chuyển đổi giống bò mới, nuôi heo nái, gà thả vườn đã có tác dụng tích cực và nhiều hộ thoát nghèo. Chỉ riêng với 5 mô hình nuôi gà sinh học (ở 5 xã), đã có 28 hộ thoát nghèo. Đặc biệt, Tổ bó chổi xã Thành An và Tân Thành Bình hoạt động khá hiệu quả, giải quyết được nhiều việc làm cho phụ nữ. Trong năm 2012, Dự án đã tạo điều kiện cho 2 tổ bó chổi này, mỗi tổ 2 máy chặt cán chổi, theo hình thức hợp tác công tư. “Khi chặt bằng tay, trung một người chặt khoảng 200 cây/ngày, còn khi chặt bằng máy thì được 1.000 cây chổi/ngày” - bà Diệu cho biết thêm.
Điểm nhấn trong hoạt động nhóm hợp tác của Dự án DBRP là kết nối thị trường. Nhiều nhóm hợp tác của Mỏ Cày Bắc được tham gia các hội chợ triển lãm, các chuyến tham quan kết nối thị trường để mở rộng thị trường nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra sản phẩm. Tổ liên kết dừa uống nước Tân Thành Bình được 2 lần tham gia hội chợ triển lãm. Qua đó, Tổ đã nhận được 15 hợp đồng, với số lượng 20.000 trái dừa và 13 đơn hàng tiêu thụ dừa giống (11.300 cây). Còn Tổ đan hàng thủ công mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn Đông, sau khi gặp gỡ, kết nối thị trường với Công ty Xuất nhập khẩu hàng Việt (TP. Hồ Chí Minh) và tham gia trưng bày sản phẩm tại Festival dừa 2012 đã nhận được 4 đơn đặt hàng. Dự án cũng đã hỗ trợ để cơ sở mở rộng dạy nghề cho người dân có nhu cầu tại các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm. Hiện cơ sở này đã phát triển thành Doanh nghiệp Đông Mai, sản xuất các mặt hàng như thảm tự nhiên, thảm bông lam, thảm thú và nhiều mặt hàng đan đát khác…
Nhìn chung, các mô hình hoạt động theo nhóm hợp tác ở Mỏ Cày Bắc bước đầu mang lại hiệu quả và có hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Sự đầu tư phát triển nhóm - phương pháp chuỗi giá trị giúp các tổ hoạt động bài bản hơn. Qua đó đã giúp người dân nắm vững kỹ thuật trong sản xuất, cũng như có nhiều cơ hội việc làm nhằm cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, điểm khó của tổ nhóm hiện nay là còn thiếu vốn sản xuất và mở rộng quy mô. “Nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn hạn chế, do cơ chế cho vay. Trong khi, nguồn vốn vay từ Quỹ Phát triển nhóm hợp tác (do Hội Phụ nữ quản lý) không nhiều nên còn nhiều thành viên trong các tổ chưa tiếp cận được” - ông Nguyễn Văn Út cho biết.