Hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội

25/09/2019 - 06:51

BDK - Nhiều năm qua, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh đã trở thành một trong những công cụ thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm; góp phần đáng kể kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 2%/năm và hạn chế “tín dụng đen”.

Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Bến Tre.

Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Bến Tre.

Nguồn lực thực hiện sinh kế

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh được mở rộng về quy mô, nguồn vốn cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn hợp lý của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách từng bước đi vào ổn định. Từ nguồn vốn Trung ương (50 triệu đồng) và nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương (50 triệu đồng) tổng mức cho vay lên đến 100 triệu đồng, không phải thế chấp tài sản, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có đủ nguồn lực thực hiện nhiều sinh kế, dự án, nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Út, 40 tuổi, ngụ xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng CSXH để mua một con bò vỗ béo. 2 năm sau chị bán bò lời được một số tiền, chị Út mua một con bò khác và tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để chuyển sang vừa nuôi bò vỗ béo, vừa nuôi bò sinh sản. Đến năm 2018, hộ chị Nguyễn Thị Út ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Chị Út xây dựng nhà cửa kiên cố. Năm 2019, chị tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng việc chăn nuôi, hiện tại chị có 5 con bò. “Ngày xưa mình ăn trước trả sau, cảnh nợ nần thiếu thốn triền miên, bây giờ thì mình vẫn còn nợ Nhà nước, nhưng không phải là nợ cái ăn nữa mà là nợ để có vốn làm ăn, rồi thêm nhờ tích góp mà xây dựng nhà cửa, cuộc sống bây giờ đã ổn định”, chị Út nói.

Hộ chị Nguyễn Thị Út là 1 trong 53 hộ nằm trong Tổ Tiết kiệm và vay vốn, thuộc Hội Phụ nữ ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam. Chị Võ Thị Đẹt - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ ấp Thành Long cho biết, kết quả thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của tổ tham gia quản lý với tổng dư nợ hơn 2,5 tỷ đồng với 53 hộ vay, gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh - sinh viên, hộ vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây nhà ở… Tổ hiện không có nợ quá hạn và được xếp loại tốt duy trì từ năm 2005 đến nay. Hoạt động của tổ góp phần giúp tổ viên vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng các chương trình tín dụng CSXH gắn với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Những kết quả đạt được

Tín dụng CSXH thực sự trở thành một trong những công cụ thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực bảo đảm an sinh xã hội và chương trình nông thôn mới. Tại địa bàn tỉnh, kết quả huy động nguồn lực vốn và hỗ trợ vật chất từ địa phương cho hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn như sau: nguồn vốn địa phương chuyển sang ủy thác Ngân hàng CSXH để cho người nghèo vay và các đối tượng chính sách khác là gần 37,5 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng (tức 2,2 lần) so với năm 2016. Trong đó, vốn từ ngân sách tỉnh, huyện là 32,9 tỷ đồng, vốn vận động từ các tổ chức khác là 4,5 tỷ đồng.

Ngân hàng CSXH Chi nhánh Bến Tre đã triển khai và thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, doanh số cho vay trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 2.792 tỷ đồng với gần 125 ngàn lượt hộ vay. Doanh số thu nợ trong giai đoạn đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.460 tỷ đồng, dư nợ bình quân 21,3 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,27%.

Những đóng góp trên của tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo tại địa phương. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có hơn 44 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,1%, đến cuối năm 2018, số hộ nghèo còn 23 ngàn hộ, chiếm 6,08%. Giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Bến Tre đã tham mưu cho tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn để đầu tư theo các tiêu chí nông thôn mới tại 45 xã điểm (đến nay có 37 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới). Doanh số cho vay các xã điểm đạt 159 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng doanh số cho vay với trên 5 ngàn lượt hộ vay.

Chị Võ Thị Đẹt - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ ấp Thành Long mong muốn, kiến nghị Trung ương mở rộng đối tượng cho vay đến những hộ là chị em phụ nữ khó khăn. Đại diện Ngân hàng CSXH Chi nhánh Bến Tre cũng kiến nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Quỹ quốc gia về việc làm đảm bảo đủ cho vay đến các đối tượng được thụ hưởng.

Ngân hàng CSXH vừa tặng giấy khen cho 2 tập thể, 2 cá nhân trong và ngoài hệ thống Ngân hàng CSXH đã có thành tích trong thực hiện vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Đó là, tập thể UBND xã Mỹ An (Thạnh Phú), Hội Nông dân xã Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc) và cá nhân chị Võ Thị Đẹt - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ ấp Thành Long (xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam), chị Huỳnh Thị Luôn - hộ vay vốn (ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách).

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN