Kết quả khả quan khi “Đưa màu xuống ruộng”

04/05/2012 - 07:41

Bình Đại hiện có 1.122ha đất trồng màu, trong đó có 315ha đất trồng màu xen vụ. “Đưa màu xuống ruộng” (ĐMXR) là mô hình trồng hoa màu trên đất trồng lúa đang thực hiện có hiệu quả tại địa phương. Mô hình này được triển khai rộng ở các xã có diện tích trồng lúa lớn như Châu Hưng, Thới Lai, Phú Thuận, Long Hòa, Long Định, Vang Quới Tây. Nhiều nông dân đã làm giàu và nhiều người đã thoát nghèo nhờ ĐMXR. 

Nông dân Lê Thanh Phong (xã Thới Lai) thoát nghèo nhờ ĐMXR.

 

Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hưng cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, một số nông dân trong xã đã thu lãi cao nhờ trồng màu xen trên đất lúa. Sau đó, có nhiều người chuyển đổi phương thức canh tác và đạt hiệu quả cao”. Điển hình có thể kể trường hợp của anh Đỗ Văn Thuận (ấp Hưng Nhơn). Trước đây, vợ chồng anh canh tác 2.000m2 đất lúa, cuộc sống của gia đình (4 người) gặp nhiều khó khăn. Năm 2000, anh Thuận lên liếp trồng thử nghiệm cà chua trên diện tích 1.000m2. Sau khi thu hoạch thấy có hiệu quả nên anh mạnh dạn đầu tư trồng màu. Anh Thuận cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi thấy có nhiều mô hình hay và mày mò làm thử. Tính ra, hiệu quả trồng một công đất màu bằng ba công đất lúa nên tôi quyết tâm trồng màu”. Chỉ sau vài năm ĐMXR, vợ chồng anh Thuận đã mua thêm đất, xây được nhà, nuôi con ăn học. Tại địa phương, hộ anh Thuận là hộ giàu nhờ kết hợp mô hình chăn nuôi (bò, vịt đẻ) và trồng trọt (lúa, màu) đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trường hợp của anh Lê Thanh Long (ấp Hưng Nhơn, Châu Hưng) cũng là một điển hình trong mô hình ĐMXR. Là hộ nghèo không có ruộng đất, gia đình anh Long (3 người) phải ở nhờ trên đất của người khác, hàng ngày đi làm thuê để kiếm sống. Đầu năm 2011, được địa phương cho đất xây nhà (theo Quyết định 167). Ổn định về chỗ ở, vợ chồng anh Long vay 7 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ người nghèo, thuê 2.000m2 đất lúa để trồng ớt, dưa leo và cần mẫn chăm sóc. Cuối năm 2011, lãi thu được từ trồng màu của anh trên 50 triệu đồng. Hộ anh Long đã thoát nghèo sau gần 10 năm là hộ nghèo của xã.

Ngoài hộ của anh Thuận và anh Long, tại Châu Hưng còn có rất nhiều hộ đã làm giàu, khấm khá lên nhờ ĐMXR (diện tích trồng màu quay vòng của xã là 33ha). Cùng địa bàn huyện, xã Thới Lai có 11ha trồng màu quay vòng với hơn 20 hộ đã khá lên nhờ thực hiện mô hình này. Đặc biệt, xã Châu Hưng đã thành lập được 4 tổ liên kết trồng màu và xã Thới Lai được một tổ, hiện nay các tổ này đang hoạt động tốt.

Ngày 20-3-2012, Hội Nông dân huyện Bình Đại tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (giai đoạn 2010 - 2013), trong đó có mô hình ĐMXR. Tham dự hội nghị có đại diện các ngành chức năng và hơn 40 hội viên (HV) nông dân tiêu biểu của mô hình. Đại diện Hội Nông dân huyện đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của HV về các vấn đề: nguồn giống cây trồng, giá bán, nguồn vốn, chế độ ưu đãi cho nông dân, an toàn thực phẩm… Ông Phan Văn Khởi - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Trước mắt, ngành chức năng huyện sẽ hỗ trợ nông dân khâu chọn giống, tập huấn kỹ thuật và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, các xã cần phát triển các tổ liên kết trồng màu nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa”. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012, Bình Đại sẽ phát triển diện tích đất trồng màu quay vòng lên 500ha.

Sau một năm thực hiện mô hình ĐMXR, đời sống của HV nông dân Bình Đại đã có bước chuyển mới, nhiều HV từ khá đã lên giàu và nhiều HV đã thoát nghèo. Mô hình ĐMXR đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

 

Bài, ảnh: HUỲNH ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN