Khai thác khoáng sản cát lòng sông không chỉ là khai thông luồng sông rạch, khơi thông dòng chảy và gắn với bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng các công trình dân dụng, các khu công nghiệp, các công trình giao thông tại địa phương và các tỉnh trong khu vực, góp phần phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức và cá nhân khai thác cát lòng sông không theo đúng quy hoạch dẫn đến hậu quả là vi phạm Luật Khoáng sản và các văn bản khác có liên quan; làm thất thu ngân sách Nhà nước; gây sạt lở, mất đất ở, đất sản xuất, hàng trăm hộ dân phải di dời đi nơi khác gây bức xúc và bất bình trong dư luận xã hội…
Ông Nguyễn Hải Châu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp 18 giấy phép khai thác cát lòng sông, với tổng diện tích 1.830,6ha, tổng trữ lượng các mỏ cát là 95.322.452m3, tổng công suất khai thác 6.458.000m3/năm. Theo báo cáo của các doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã khai thác cát, sản lượng khai thác tài nguyên khoáng sản cát lòng sông từ năm 2009 đến tháng 6-2011 là 7.963.330,2m3, với tổng doanh thu 116,473 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 30,44 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng 9,407 tỷ đồng, thuế tài nguyên 4,071 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường 16,961 tỷ đồng). Từ năm 2003-2011, Sở đã phối hợp với các huyện tổ chức 50 cuộc kiểm tra và phát hiện, xử lý 149 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 476 triệu đồng. Từ năm 2009-2011, lực lượng kiểm tra các huyện đã tổ chức 228 cuộc kiểm tra và phát hiện 416 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng. Phát biểu với đại diện các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng tham gia giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Nguyễn Hải Châu thừa nhận, tất cả những con số này chỉ là bề nổi của tảng băng ngầm. Có những vụ khai thác cát trái phép lớn, nghiêm trọng nhưng không bị xử lý. Một số cán bộ, đảng viên tham gia khai thác cát trái phép đã dẫn đến vô hiệu hóa hoạt động của đoàn công tác liên ngành. Đã vài lần, người dân điện thoại cung cấp địa điểm khai thác cát lòng sông trái phép, đoàn công tác khẩn trương đến hiện trường nhưng thông tin vẫn bị rò rỉ, mọi việc đâu vào đấy.
Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Lách, địa phương được xác định là điểm nóng của khai thác cát lòng sông trái phép trong thời gian qua cho rằng, đơn vị cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản cát lòng sông cần quan tâm công tác hậu kiểm, bởi khi được cấp phép, 100% tổ chức, DN khai thác cát lòng sông không triển khai thực hiện đầy đủ các quy định như: thả phao xác định vị trí, giới hạn khu vực mỏ, thời gian khai thác, số lượng xà lan khai thác… Cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình là khu vực cấm khai thác nhưng về đêm các xà lan cặp vào bờ để hút cát, gây sạt lở nghiêm trọng. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện không có phương tiện, mỗi khi tiến hành kiểm tra phải thuê của hộ dân nên gặp khó khăn trong tiếp cận và xử lý. Ngoài xà lan neo đậu tại các mỏ cát khai thác, còn gần 800 ghe bơm hút cát của hộ dân, chủ ghe đã đầu tư nâng cấp phương tiện thành tàu sắt, sử dụng ống bơm lớn, đưa vào hông bờ đất của hộ dân lấy cát, mặc nhiên cho sạt lở diễn ra.
Ông Trần Công Danh - Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh bức xúc: Từ năm 2009 đến tháng 6-2011, các DN và hợp tác xã khai thác cát lòng sông đã nộp ngân sách Nhà nước chỉ hơn 30 tỷ đồng, thông qua thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Thực tế khẳng định khai thác cát trái phép là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Muốn triển khai làm 1km bờ kè, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng. Chưa dừng lại, chỉ tính riêng cồn Phú Đa tình trạng khai thác cát trái phép đã làm mất hàng chục hec-ta đất và trên dưới 100 hộ dân phải chuyển đi nơi khác. Ông Danh nhấn mạnh: Tổn thất này cho thấy sự mất đạo đức, thất nhân tâm của tổ chức, cá nhân trong khai thác cát lòng sông. Điều này dễ dẫn đến việc hộ dân có đất bị sạt lở vì quá bức xúc mà có những hành động, việc làm vi phạm pháp luật để chống trả lại đối tượng khai thác cát trái phép. Ngành hữu quan phải sớm tham mưu UBND tỉnh tổ chức lại mô hình tổ, đội khai thác cát lòng sông. Định kỳ các DN và hợp tác xã được cấp phép khai thác cát lòng sông phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hộ dân nằm trong khu vực lân cận mỏ cát khai thác để phát huy dân chủ. Một số ý kiến đồng tình, xem việc khai thác cát lòng sông trái phép là hành vi ăn trộm, ăn cắp tài nguyên quốc gia. Trong đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt, xây dựng phương án, kế hoạch để xử lý triệt để nạn khai thác cát lòng sông trái phép. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính cần thực hiện chặt chẽ; chứng cứ đầy đủ để cần thiết đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Trần Dương Tuấn - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, qua khảo sát thực tế, ý kiến phản ánh của cử tri và làm việc trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận diện rõ thực trạng và trách nhiệm đặt ra phải tìm giải pháp để ngăn chặn việc khai thác cát lòng sông trái phép. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; đồng thời, có ý kiến với UBND tỉnh tổ chức hội nghị hoặc hội thảo xoay quanh chủ đề khai thác khoáng sản cát lòng sông gắn với bảo vệ môi trường.