|
Do sạt lở, một hộ dân ở xã An Đức (Ba Tri) di dời nhà đi nơi khác. Ảnh: P. Hân |
Trước tình hình sạt lở bờ sông Hàm Luông đoạn từ xã Phú Khánh đến bến phà Mỹ An, huyện Thạnh Phú và đoạn từ xã Tân Hưng đến xã An Đức, huyện Ba Tri, ngày 7-3-2017, đoàn khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường do ông Lê Văn Đáo - Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát kiểm tra các địa điểm trên để làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh.
Tham gia cùng đoàn có đại diện Văn phòng HĐND tỉnh, Ủy
ban MTTQ, các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
đoàn kiểm tra liên ngành khoáng sản tỉnh, UBND huyện Ba Tri, Thạnh Phú và chính
quyền các xã liên quan.
Ông Trần Minh Thư - công chức địa chính xã Mỹ An, huyện
Thạnh Phú cho biết, tình hình sạt lở bờ sông Hàm Luông đoạn từ xã Phú Khánh đến
bến phà Mỹ An xuất hiện từ 5 năm trở lại đây. Tốc độ có tăng dần và hiện nay
tình hình sạt lở đoạn thuộc ấp Mỹ An đang báo động. Nhìn nhận từ phía địa
phương, nguyên nhân sạt lở do dòng chảy và ảnh hưởng do tác động vùng nuôi thủy
sản của các hộ dân trong khu vực.
Tuy nhiên, các xã chưa có số liệu cụ thể tình hình sạt lở.
Theo đánh giá sơ bộ của đoàn khảo sát, tình hình sạt lở phía bờ huyện Thạnh Phú
diễn ra với tốc độ nhanh, có độ ăn sâu 3m. Cao điểm là đoạn từ bến phà Mỹ An đến
vàm Băng Cung và toàn bộ ấp Giồng Lân, xã An Đức sạt lở mạnh. Ông Lê Văn Đáo nhận
định, sạt lở trên khu vực sông Hàm Luông là do triều cường và một phần do vùng
đất cù lao Đất nổi lên lấn sang phần đất Mỹ An làm thay đổi dòng chảy, gây nên
sức ép bờ đất mềm gây sạt lở nghiêm trọng. Ông Lê Văn Đáo yêu cầu chính quyền địa
phương cần tăng cường kiểm tra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông. Đồng
thời tìm giải pháp để cùng người dân ngăn chặn sạt lở gây ảnh hưởng đến kinh tế,
đời sống của bà con trong khu vực.
* Nhiều hộ dân có nhà, chòi tôm dọc theo sông Tiền xã Lộc
Thuận (Bình Đại) đang lo ngại vì sạt lở xảy ra ngày càng nhiều. Trưởng ấp Lộc
Thành, xã Lộc Thuận Huỳnh Văn Hoanh cho biết: “Bà Nguyễn Thị Ba ở Tổ 14 đã bị sạt
lở nhà dưới. Năm 2015, sạt lở đã xảy ra nhưng không nhiều như năm 2016. Hiện
nay, sạt lở ngày càng nhiều hơn, sâu hơn. Bà Ba bị thiệt hại khoảng 1.000m2 đất.
Trước mắt, các ngành, đoàn thể xã đã phối hợp với cán bộ ấp vận động bà di dời
nhà về gần đê sông Tiền”.
Từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, sạt lở đã làm cho
các hộ dân ở khu vực này bị mất hơn 10.000m2 đất. Trước đây, do bị sạt lở nên hộ
bà Võ Thị Tươi đã di dời nhà về gần đê sông Tiền. Một số hộ khác đã mua đá về
làm bờ kè để ngăn chặn sạt lở như ông Hoàng, ông Ái, bà Điểu (chi phí khoảng 20
- 40 triệu đồng/hộ). Hiện tại, nhà của ông Đỗ Văn Phong ở gần bến đò Lộc Thuận
có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương đang tiến hành vận động hộ này di
dời nhà tới chỗ an toàn.
Người dân địa phương rất mong ngành chức năng sớm tìm ra
nguyên nhân, có biện pháp giải quyết và hỗ trợ việc di dời nhà.