Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè chắn sóng biển tại cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: PV
Các dự án đô thị ở 3 huyện biển
Ngoài các đô thị đã hình thành, các huyện biển cũng đã tập trung chỉ đạo tổ chức rà soát các đồ án quy hoạch chung tổng hợp và lồng ghép vào kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy. Dự án chỉnh trang khu dân cư đô thị và chợ trung tâm huyện Bình Đại với quy mô 8,03ha, đang được triển khai thực hiện giai đoạn 1 khoảng 5,7ha, tiến độ thực hiện của giai đoạn 1 đạt khoảng 70%, dự kiến tháng 9-2021 hoàn thành. Dự án khu dân cư thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú có quy mô 11,46ha, tiến độ thực hiện đạt khoảng 95%. Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới Bình An với quy mô 24,826ha, đã thông qua HĐND tỉnh về phương án đề xuất dự án. Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới phía Đông đô thị Bà Nhựt với quy mô 44,81ha, thị trấn Bình Đại cũng đã thông qua HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, 3 huyện biển đang tổ chức triển khai lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện. Huyện Bình Đại tổ chức lập đề án công nhận trung tâm xã Châu Hưng đạt chuẩn đô thị loại V, dự kiến trong tháng 7-2021 trình phê duyệt.
Giao thông biển cũng được khởi động. Dự án tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1), UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về thống nhất hướng tuyến, quy mô tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh để cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030. Bước đầu Thủ tướng Chính phủ đã thông báo phân bổ vốn đầu tư cầu Bình Thới 2, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án giao thông lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Quy hoạch cảng nước sâu, UBND tỉnh đã trình Bộ Giao thông vận tải về việc đề xuất bổ sung Quy hoạch cảng nước sâu tại huyện Bình Đại vào Quy hoạch cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án xây dựng Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, hiện đơn vị tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ dự án và trình thẩm định, dự kiến trong tháng 6-2021 sẽ phê duyệt dự án. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo lập hồ sơ dự án riêng cho phần vốn của Trung ương (hồ nước) và phần vốn địa phương (cụm dân cư và nâng cấp di tích).
Dự án đầu tư lịch sử - văn hóa, cách mạng bưng Lạc Địa, các ngành đã cơ bản thống nhất nội dung và quy mô dự án, các hạng mục công trình, đề xuất chiều dài 52,5km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng giai đoạn 1 (2021 - 2025): quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m, giai đoạn 2 (sau năm 2025): bề rộng nền đường trong đô thị 100m, ngoài đô thị 46m. Dự kiến đầu tư 21.125.565 tỷ đồng (giai đoạn 1: 9.407.013 tỷ đồng, giai đoạn 2: 11.718.552 tỷ đồng). Các hạng mục dự kiến kêu gọi đầu tư: khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng và làng nghề truyền thống.
Công trình đường dây 220kV Thạnh Phú - Mỏ Cày Nam và đường dây 220kV Bến Tre - Bình Đại cũng đã hoàn thành hướng tuyến của đường dây, hiện đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng công trình. Các công trình 110kV: Trạm biến áp 110kV Phú Thuận và đường dây 110kV Phú Thuận - Bình Đại đã triển khai thông báo thu hồi đất và bàn giao cột mốc cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và địa phương, đồng thời đang thực hiện việc kiểm đếm cây cối hoa màu, vật kiến trúc bị ảnh hưởng của công trình để trình phương án giá đất. Đường dây 110kV Giao Long - Phú Thuận đang kiểm kê vật kiến trúc, hoa màu bị ảnh hưởng và khảo sát đất cho công trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình điều chỉnh hướng tuyến đoạn qua Khu công nghiệp Phú Thuận. Đường dây 110kV Ba Tri - Bình Thạnh đang tiến hành kiểm kê vật kiến trúc, hoa màu bị ảnh hưởng của công trình, dự thảo phương án giá đất, đồng thời rà soát kết quả đo đạc địa chính để thực hiện phương án bồi thường.
Quyết tâm của đảng bộ
Trao đổi xung quanh phát triển tỉnh về hướng Đông, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng: Nhìn trên bản đồ của tỉnh, Bến Tre có 1,280 triệu dân, diện tích 2.450km2, thì mật độ dân số trên một đơn vị diện tích là rất cao so với khu vực và cả nước. Như vậy, do đất chật, người đông, cùng với các điều kiện biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, đất nông nghiệp sẽ không còn nhiều. Thời gian qua, tỉnh phát triển chính phần lớn là dọc theo trục quốc lộ 60, tức từ cầu Rạch Miễu, Châu Thành, TP. Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Trà Vinh. Do vậy, không gian phát triển tỉnh chật chội, không nhiều. Sau giải phóng, đã 46 năm, tỉnh có bước phát triển năm sau cao hơn năm trước nhưng cũng chỉ ở mức nhất định.
Mặt khác, tỉnh có 65km bờ biển và đường ven biển, một số nơi nuôi tôm công nghiệp có hiệu quả nhưng chưa nhiều, còn lại chủ yếu là diện tích muối kém hiệu quả, một số đất nông nghiệp bị bỏ hoang... Nếu như đầu tư hạ tầng thì sẽ khai mở được vùng ven biển này, thậm chí có khả năng lấn biển, mở ra không gian mới để phát triển. Đây là kết quả mà nhiều nhiệm kỳ trước đã thấy nhưng do nguồn lực còn hạn hẹp nên chưa thể tập trung phát triển được. Đến nay, đã có nhiều thuận lợi hơn và có cơ hội thu hút nguồn lực nếu làm tốt quy hoạch mang tính chiến lược, kế hoạch phát triển bài bản, cùng với sự hỗ trợ góp sức của các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ.
Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã đưa định hướng này vào nghị quyết và trở thành một chủ trương lớn. Sau đại hội, tỉnh có ngay nghị quyết chuyên đề phát triển tỉnh về hướng Đông. Đầu tiên là phát triển hạ tầng giao thông của các huyện ven biển tại Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, chủ yếu là tuyến giao thông động lực ven biển. Chúng ta đã mời tư vấn thiết kế tuyến nối Thạnh Phú - Ba Tri - Bình Đại qua Tiền Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh, thì từ Bình Đại đi TP. Hồ Chí Minh chỉ 52km. Đây là tuyến kết nối ven biển của cả nước và trong năm tới, tuyến TP. Hồ Chí Minh, Long An sẽ khởi động, nên nếu chúng ta làm được đoạn Bến Tre và bắc cầu qua sông Tiền sẽ rất lý tưởng.
Và nếu tuyến động lực này làm được thì từ Bình Đại qua Thạnh Phú là 52km. Quy mô theo thiết kế trung bình là 6 làn xe, tối đa là 10 làn xe, nhưng trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ làm 2 làn xe. Tuy nhiên, 3 huyện biển còn có phát triển hạ tầng giao thông kết nối với TP. Bến Tre. Hiện đã có 3 tuyến chính đi về phía biển nhưng vẫn phải tính toán thêm sẽ có quy hoạch một trục khác lớn hơn về 3 huyện biển.
Về phát triển kinh tế thủy sản bao gồm cả nuôi, khai thác, chế biến thủy sản. Ngoài diện tích nuôi đang có sản lượng khoảng 30 ngàn tấn, thì đến năm 2025 phát triển thêm 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao. Khai thác thủy sản, tổ chức lại đội tàu theo hướng quy mô đánh bắt xa bờ. Hiện tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư chế biến thủy sản. Công nghiệp gồm công nghiệp năng lượng, dự kiến đến cuối năm sẽ có 6 nhà máy điện gió đi vào hoạt động với công suất 180MW. Bên cạnh đó, tỉnh đang quy hoạch một số nhà máy điện mặt trời, 1 nhà máy điện khí tại mỗi huyện biển, công suất khoảng 9.000MW.
Về du lịch, hiện đã hình thành khu du lịch ở Thừa Đức (Bình Đại), cồn Nhàn (Ba Tri), cồn Bửng (Thạnh Phú) chỉ là mới ban đầu nhưng khi có đường ven biển, sẽ đầu tư thêm một số hạ tầng, kêu gọi thêm nhà đầu tư. Riêng về đô thị, sau năm 2030, tỉnh sẽ kêu gọi mạnh các nhà đầu tư để hình thành các khu đô thị biển, phát triển cảng nước sâu.
Phát triển về hướng Đông đòi hỏi nguồn lực lớn, cần rất nhiều thời gian, không chỉ vài nhiệm kỳ mà còn có thể 5, 10 nhiệm kỳ. Do vậy, ngay bây giờ chúng ta phải bắt đầu khởi động để mỗi nhiệm kỳ làm một ít thì chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra.
Hữu Hiệp